Thời điểm hoàn hảo của Chúa
Giới thiệu
Đức Chúa Trời có ý thức về thời gian của riêng Ngài: ‘Trước mặt Chúa một ngày như nghìn năm, nghìn năm như một ngày’ (II Phi-e-rơ 3:8). Ngài có thời điểm hoàn hảo: không bao giờ sớm, cũng chẳng bao giờ muộn. Chúa không bao giờ vội vàng nhưng Ngài luôn đúng lúc.
Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy Chúa có quyền tể trị tương lai (Đa-ni-ên 4:32). ‘Chúng ta trông đợi trời mới đất mới’ (II Phi-e-rơ 3:13). Đức Chúa Trời sẽ bênh vực cho dân Ngài (Thi Thiên 135:14).
Nhưng bạn sẽ làm gì trong khi chờ đợi Chúa thực hiện điều Ngài đã hứa?
Thi Thiên 135:13-21
13Lạy Đức Giê-hô-va, danh Ngài còn đến đời đời;
Lạy Đức Giê-hô-va, kỷ niệm Ngài tồn tại từ đời nầy qua đời kia.
14Vì Đức Giê-hô-va sẽ bênh vực dân Ngài,
Và thương xót các đầy tớ Ngài.
15Hình tượng của các dân bằng bạc và bằng vàng,
Là sản phẩm do tay người làm ra.
16Hình tượng có miệng mà không nói,
Có mắt mà không thấy,
17Có tai mà không nghe,
Và trong miệng không có hơi thở.
18Kẻ nào làm hình tượng,
Và ai nhờ cậy chúng
Đều giống như chúng.
19Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va!
Hỡi nhà A-rôn, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va!
20Hỡi nhà Lê-vi, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va!
Hỡi những người kính sợ Đức Giê-hô-va, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va!
21Từ Si-ôn, đáng chúc tụng Đức Giê-hô-va
Là Đấng ngự tại Giê-ru-sa-lem!
Ha-lê-lu-gia!
Bình luận
Tin cậy Chúa
Khi những lời cầu nguyện của bạn dường như không được đáp lại, bạn có thể bị cám dỗ hãy ngừng tin cậy Chúa và bắt đầu theo đuổi những 'thần' khác.
Việc tin cậy vào Chúa có vẻ hơi lỗi thời. Nhưng tác giả Thi Thiên nói: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, danh Ngài còn đến đời đời; lạy Đức Giê-hô-va, kỷ niệm Ngài tồn tại từ đời nầy qua đời kia.’ (c.13).
Có một sự thật thú vị trong Kinh thánh là bạn sẽ trở nên giống như điều mà bạn đặt niềm tin vào. Nếu bạn đặt niềm tin vào ‘hình tượng’ bằng bạc hoặc vàng, thì bạn sẽ giống như chúng – vô hồn, mù và điếc về mặt tâm linh (c.16–18). Nếu bạn tin cậy nơi Chúa, bạn sẽ tràn đầy sự sống và niềm vui khi bạn trở nên giống Ngài.
Hãy luôn tin cậy Chúa, ‘Vì Đức Giê-hô-va sẽ bênh vực dân Ngài, và thương xót các đầy tớ Ngài’ (c.14). ‘Vì CHÚA sẽ bào chữa cho dân Ngài Và tỏ lòng thương xót các tôi tớ Chúa’ (c.14,NVB). Vì vậy, bạn được kêu gọi ca ngợi và tôn vinh Chúa (c.19–21).
Hãy hoàn toàn trông cậy Chúa và tìm kiếm Ngài để bênh vực cho bạn. Khi mọi việc không diễn ra như bạn mong muốn, hãy kiên nhẫn. Đừng cố gắng đi trước Chúa. Thời điểm của Ngài là hoàn hảo. Hãy tin cậy Ngài.
Cầu nguyện
II Phi-e-rơ 3:1-18
Thời kỳ cuối cùng và sự trở lại của Đức Chúa Jêsus Christ
3 Thưa anh em yêu dấu, đây là thư thứ hai tôi viết cho anh em. Trong cả hai thư, tôi đều nhắc nhở để khơi dậy trong anh em một tâm trí chân thực, 2để khắc ghi những lời tiên báo của các nhà tiên tri thánh cũng như những điều răn của Chúa và Cứu Chúa chúng ta do các sứ đồ truyền lại.
3Trước hết, anh em phải biết điều nầy: Trong những ngày cuối cùng, những kẻ nhạo báng sẽ đến với lời lẽ giễu cợt, sống theo dục vọng cá nhân. 4Họ sẽ nói: “Lời hứa về sự quang lâm của Chúa ở đâu? Vì từ khi các tổ phụ chúng ta qua đời, mọi vật vẫn y nguyên như lúc bắt đầu cuộc sáng thế.” 5Họ cố ý không biết rằng các tầng trời đã hiện hữu từ rất lâu bởi lời Đức Chúa Trời, trái đất được hình thành từ nước và do nước; 6cũng bởi nước mà thế giới thời ấy đã bị ngập lụt và bị hủy diệt. 7Nhưng cũng bởi lời ấy mà trời đất hiện nay đã được dành cho lửa, và được giữ lại cho đến ngày phán xét và hủy diệt những kẻ vô luân. 8Thưa anh em yêu dấu, đừng quên rằng, trước mặt Chúa một ngày như nghìn năm, nghìn năm như một ngày. 9Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn. 10Tuy nhiên, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; bấy giờ các tầng trời sẽ biến đi trong tiếng vang rền, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa, đất và mọi công trình trên đó đều sẽ bị thiêu hủy.
11Vì mọi vật đều phải bị tiêu tan như thế, nên anh em càng phải sống cuộc đời thánh khiết và tin kính 12trong lúc nóng lòng trông đợi ngày của Đức Chúa Trời mau đến. Đó là Ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu đốt và hủy diệt, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa! 13Nhưng theo lời hứa của Ngài, chúng ta trông đợi trời mới đất mới là nơi sự công chính ngự trị. 14Vậy, thưa anh em yêu dấu, trong khi trông đợi những điều đó, anh em phải cố hết sức để Ngài thấy anh em không tì vết, không có gì đáng trách và sống trong sự bình an. 15Hãy nhớ rằng sự kiên nhẫn của Chúa chúng ta là vì sự cứu chuộc của anh em. Cũng như Phao-lô, người anh yêu dấu của chúng ta, đã viết cho anh em theo sự khôn ngoan được ban cho mình. 16Trong tất cả các thư tín, ông đều đề cập đến những điều nầy. Các thư của ông có một vài điều khó hiểu mà những kẻ dốt nát và không vững vàng đã xuyên tạc, như họ đã làm với các phần khác trong Kinh Thánh, để chuốc lấy sự hủy diệt cho chính mình. 17Thưa anh em yêu dấu, anh em đã biết trước điều nầy; vậy, hãy thận trọng, kẻo anh em cũng bị lôi cuốn theo sự lầm lạc của những kẻ gian ác đó mà đánh mất lòng kiên quyết của mình. 18Nhưng hãy tăng trưởng trong ân điển và sự hiểu biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Cầu xin vinh quang thuộc về Ngài, từ nay cho đến đời đời! A-men.
Bình luận
Hãy quay về với Chúa
Khi bạn nhìn vào tất cả điều ác trên thế giới – tất cả các cuộc chiến tranh, sự tàn phá môi trường, bạo lực, tra tấn thể chế, bất công, những tội ác khủng khiếp và vô số đau khổ – bạn có thể tự hỏi tại sao Chúa Giê-su không quay lại ngay bây giờ và giải quyết tất cả.
Tại sao Chúa lại chậm trễ như vậy? Tại sao Chúa vẫn chưa trở lại?
Phi-e-rơ cảnh báo chúng ta rằng người ta sẽ chế nhạo chúng ta và nói: ‘Lời hứa về sự quang lâm của Chúa ở đâu?' (c.4). Ông nói rằng có lý do rất chính đáng cho sự chậm trễ này. Lý do Chúa chưa đến là để cho con người có thêm thời gian ăn năn.
Chúa không vội vàng. ‘Trước mặt Chúa một ngày như nghìn năm, nghìn năm như một ngày.’ (c.8).
Đức Chúa Trời không chậm trễ trong việc giữ lời hứa của Ngài. Đúng hơn, sự chậm trễ xuất phát từ sự kiên nhẫn của Ngài: ‘Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn’ (c.9). ‘Không phải Chúa chậm trễ thực hiện lời hứa như người ta tưởng. Nhưng Ngài chờ đợi, vì không muốn ai bị hư vong nên Ngài dành thêm thì giờ cho mọi người có dịp ăn năn’ (c.9, BDY).
Sự ăn năn chính là sự thay đổi hướng đi trong cuộc đời bạn. Đó là từ bỏ mọi điều xấu và quay về với Chúa Giê-su. Bằng cách cho con người thời gian để ăn năn, Đức Chúa Trời đang trìu mến mở cánh cửa cho sự cứu rỗi của họ. ‘Hãy nhớ rằng sự kiên nhẫn của Chúa chúng ta là vì sự cứu chuộc của anh em’ (c.15).
Chủ đề về sự cứu rỗi là một trong những chủ đề lớn trong các lá thư của Phao-lô, và vì thế ở điểm này Phi-e-rơ đề cập đến chúng. Tôi thấy thật khích lệ khi ông mô tả thư của Phao-lô đôi khi 'khó hiểu' (c.16) – nếu bạn gặp khó khăn để hiểu chúng, thì đừng lo, mọi người cũng giống bạn thôi!
Điều đáng chú ý là Phi-e-rơ tiếp tục so sánh chúng với Cựu Ước ('các phần khác trong Kinh Thánh', c.16). Khi làm như vậy, ông chứng tỏ rằng hội thánh đầu tiên và các sứ đồ hiểu các sách Tân Ước có cùng thẩm quyền thiêng liêng như trong Cựu Ước.
Chúa sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ tới (‘như kẻ trộm’, c.10). Thế giới như chúng ta biết sẽ ‘biến đi’ (c.10). Sẽ có ‘trời mới đất mới’ (c.13). Tầm nhìn của Tân Ước về tương lai không phải là việc mọi người 'lên trời' – mà là sẽ có 'trời mới đất mới' (c.13).
Nhiều lần, Phi-e-rơ chỉ ra rằng Đức Chúa Trời thành tín với lời Ngài và những lời hứa của Ngài (c.2,5,7,9,13). Sự thật là những gì Chúa phán chắc chắn sẽ xảy ra.
Cách để chuẩn bị cho tương lai chắc chắn xảy ra nhưng bị trì hoãn này là 'sống cuộc đời thánh khiết' và 'trông đợi ngày của Đức Chúa Trời' (c.11–12) và 'cố hết sức để Ngài thấy anh em không tì vết, không có gì đáng trách và sống trong sự bình an' (c.14), và 'tăng trưởng trong ân điển và sự hiểu biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ' (c.18).
Ân điển là tình yêu mà chúng ta không xứng đáng nhận được. Bạn lớn lên trong ân điển khi bạn hướng về Chúa, trông cậy vào Ngài trong mọi tình huống bạn gặp phải, dâng những nhu cầu của bạn cho Ngài mỗi ngày, khi bạn nóng lòng mong đợi sự trở lại của Ngài.
Cầu nguyện
Đa-ni-ên 4:19-5:16
19Bấy giờ, Đa-ni-ên, cũng gọi là Bên-tơ-xát-sa, bị câm trong giây lát. Các ý tưởng làm cho ông bối rối. Vua bảo: “Hỡi Bên-tơ-xát-sa, đừng để cho giấc chiêm bao và lời giải nghĩa làm rối ngươi.” Bên-tơ-xát-sa nói: “Thưa chúa, ước gì chiêm bao đến với những kẻ ghét ngài, và lời giải nghĩa dành cho kẻ thù ngài! 20Cây mà vua đã thấy trở nên lớn và vững mạnh, ngọn cây chạm đến trời và khắp đất đều xem thấy, 21lá thì đẹp và trái thì sai, cung cấp đủ thức ăn cho mọi loài; thú đồng núp dưới bóng nó, các loài chim trời làm tổ trên cành nó. 22Tâu đức vua, đó chính là vua. Vua đã trở nên lớn mạnh và cường thịnh; sự cao cả của vua vươn cao tận trời, quyền thống trị của vua trải rộng đến tận cùng trái đất.
23Kế đó, vua thấy một đấng canh giữ, là đấng thánh từ trời xuống và bảo: ‘Hãy đốn cây và hủy diệt nó đi, nhưng hãy chừa lại gốc của rễ nó trong đất, rồi dùng một dây xích sắt và đồng xiềng giữa đám cỏ xanh trong đồng ruộng, cho nó bị ướt đẫm bởi sương móc trên trời và chia phần với các thú đồng, cho đến khi bảy kỳ đã trải qua trên nó.’ 24Tâu đức vua, đây là lời giải và án lệnh của Đấng Chí Cao ban xuống cho vua là chúa tôi: 25Vua sẽ bị đuổi khỏi loài người và sống chung với thú vật ngoài đồng. Vua sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò và sẽ ướt đẫm sương móc trên trời; bảy kỳ sẽ trải qua trên vua cho đến khi vua nhận biết rằng Đấng Chí Cao cai trị vương quốc loài người và Ngài muốn ban cho ai tùy ý. 26Còn lệnh truyền phải chừa lại gốc của rễ cây đó có nghĩa là vương quốc của vua sẽ được hồi phục cho vua khi vua nhận biết Đấng cai trị các tầng trời. 27Vì vậy, tâu đức vua, xin nghe lời khuyên của tôi, hãy từ bỏ tội lỗi bằng cách làm điều công chính, hãy thương xót những người nghèo khó để chuộc những điều gian ác mình. Như vậy, thời thái bình thịnh trị của vua có thể kéo dài thêm.”
28Tất cả những việc đó đều xảy đến cho vua Nê-bu-cát-nết-sa. 29Mười hai tháng sau, khi đang đi dạo trên sân thượng hoàng cung Ba-by-lôn, 30vua nói: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn vĩ đại mà ta đã xây dựng làm đế đô bằng uy quyền cao cả của ta để biểu dương vinh quang rạng rỡ của ta đó sao?” 31Lời chưa dứt khỏi miệng vua thì có tiếng từ trên trời phán: “Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, đây là lời báo cho ngươi biết: Vương quyền đã lìa khỏi ngươi. 32Ngươi sẽ bị đuổi khỏi loài người và sống chung với thú vật ngoài đồng. Ngươi bị buộc phải ăn cỏ như bò và trải qua bảy kỳ cho đến khi ngươi nhận biết rằng Đấng Chí Cao cai trị vương quốc loài người và Ngài muốn ban cho ai tùy ý.” 33Ngay lúc đó, lời nói ấy đã ứng nghiệm cho vua Nê-bu-cát-nết-sa. Vua bị đuổi khỏi loài người, ăn cỏ như bò; thân thể vua ướt đẫm sương móc trên trời cho đến khi tóc vua cũng mọc như lông đại bàng, móng tay móng chân giống như móng chim.
34Khi những ngày đó chấm dứt, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn ta phục hồi, ta cảm tạ Đấng Chí Cao. Ta ca ngợi và tôn vinh Đấng Hằng Sống,
Quyền cai trị của Ngài là uy quyền đời đời,
Vương quốc Ngài từ thế hệ nầy đến thế hệ kia.
35Tất cả cư dân trên đất đều kể như con số không.
Ngài làm theo ý Ngài muốn cả với cơ binh trên trời
Lẫn dân cư trên đất.
Không ai cản được tay Ngài
Hoặc hỏi: “Ngài làm gì vậy?”
36Cùng lúc đó trí khôn ta hồi phục. Ta tìm lại được vinh quang cho vương quốc ta, uy nghi và rực rỡ trở lại với ta. Các nhà tham mưu và các quan đại thần đều đến chầu ta. Ta lại được lập lên cai trị vương quốc và càng trở nên cao trọng hơn trước.
37Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa ca ngợi, tôn vinh và tán dương Vua Trời
Vì mọi công việc Ngài đều chân thật
Và mọi đường lối Ngài đều ngay thẳng.
Kẻ nào bước đi cách kiêu ngạo
Ngài có thể hạ xuống.
Bữa tiệc của vua Bên-xát-sa. – Đế quốc Canh-đê sụp đổ
5 Vua Bên-xát-sa mở tiệc linh đình thết đãi một nghìn đại thần. Vua uống rượu trước mặt họ.
2Đang lúc uống rượu, vua Bên-xát-sa truyền đem ly tách bằng vàng và bạc mà phụ vương Nê-bu-cát-nết-sa đã lấy trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, để vua và các đại thần, các hoàng hậu và cung phi của vua dùng uống rượu. 3Người ta đem ra ly tách bằng vàng đã lấy từ đền thờ, tức là nhà của Đức Chúa Trời, tại Giê-ru-sa-lem; vua và các đại thần, các hoàng hậu và cung phi dùng các ly tách đó để uống rượu. 4Vậy họ vừa uống rượu vừa ngợi khen các thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá.
5Ngay lúc đó, những ngón tay của bàn tay người xuất hiện, viết lên tường vôi của hoàng cung, đối ngang giá đèn; vua trông thấy phần bàn tay đang viết. 6Bấy giờ mặt vua biến sắc, tâm trí bàng hoàng, xương cốt rã rời, hai đầu gối run lập cập. 7Vua lớn tiếng truyền lệnh triệu tập các pháp sư, người Canh-đê và thầy bói đến. Vua nói với các nhà thông thái Ba-by-lôn: “Ai đọc được chữ nầy và giải thích cho trẫm rõ ý nghĩa thì sẽ được mặc cẩm bào đỏ thẫm, đeo vòng vàng vào cổ và sẽ là nhân vật thứ ba trong việc cai trị vương quốc.” 8Bấy giờ, tất cả các nhà thông thái của vua đều đến, nhưng họ không đọc được chữ cũng không thể giải nghĩa cho vua được. 9Vua Bên-xát-sa vô cùng bối rối, mặt vua biến sắc; các quan đại thần lúng túng.
10Nghe tiếng bàn tán của vua và các đại thần, hoàng thái hậu bước vào phòng tiệc. Bà nói: “Hoàng thượng vạn tuế! Xin hoàng thượng đừng để tâm trí bối rối, sắc mặt biến đổi! 11Trong vương quốc ngài có một người mang linh của Đức Chúa Trời thánh khiết ở trong mình. Dưới đời phụ vương của ngài, người ta thấy nơi người nầy có ánh sáng, thông hiểu và khôn ngoan, như sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Phụ vương ngài là Nê-bu-cát-nết-sa đã lập người ấy làm đầu các thuật sĩ, pháp sư, người Canh-đê và thầy bói. 12Vì trong Đa-ni-ên, người mà vua đã đặt tên Bên-tơ-xát-sa, có thần linh siêu phàm, có tri thức và thông hiểu để giải nghĩa chiêm bao, giải thích các điều mầu nhiệm, giải quyết các nan đề, nên bây giờ hãy sai gọi Đa-ni-ên để ông ấy giải nghĩa cho.”
13Bấy giờ, Đa-ni-ên được đưa đến trước mặt vua. Vua nói với Đa-ni-ên: “Ngươi có phải là Đa-ni-ên, một trong những người Do Thái lưu đày mà cha ta đã giải về từ Giu-đa không? 14Trẫm có nghe nói rằng linh của các thần ở trong ngươi nên ngươi có ánh sáng, sự thông hiểu và khôn ngoan lạ thường. 15Các nhà thông thái, các pháp sư, đã được mời đến trước mặt trẫm để đọc những chữ nầy và giải thích cho trẫm, nhưng họ không giải nghĩa được. 16Trẫm nghe nói rằng ngươi có thể giải nghĩa và giải quyết những nan đề. Vậy, nếu ngươi đọc được chữ viết nầy và giải nghĩa cho trẫm, thì ngươi sẽ được mặc cẩm bào đỏ thẫm, đeo vòng vàng vào cổ và sẽ là nhân vật thứ ba trong việc cai trị vương quốc.”
Bình luận
Tạ ơn Chúa
Sự kiêu ngạo đến trước sự sa ngã – như tôi đã khám phá ra nhiều lần trong đời. Mọi điều chúng ta có đều đến từ Chúa. Chúng ta phụ thuộc vào Ngài cho hơi thở tiếp theo của chúng ta. Chúa nắm giữ quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự tạ ơn nhắc nhở về sự khiêm nhường.
G.K. Chesterton viết: 'Khi nói đến cuộc sống, điều quan trọng là bạn coi mọi thứ là đương nhiên hay nhận lấy chúng với lòng biết ơn'.
Việc truyền tải thông điệp khích lệ từ Chúa là điều tương đối dễ dàng. Việc truyền tải một thông điệp quở trách là điều không dễ dàng chút nào. Điều đó làm ông thấy bối rối và lo sợ, nhưng ông vẫn vâng phục Chúa (4:19 trở đi).
Sai lầm mà Nê-bu-cát-nết-sa đã mắc phải, và mà tất cả chúng ta đôi khi có thể mắc phải, là nghĩ rằng những gì ông đạt được đều là do chính ông làm: 'Đây chẳng phải là Ba-by-lôn vĩ đại mà ta đã xây dựng làm đế đô bằng uy quyền cao cả của ta để biểu dương vinh quang rạng rỡ của ta đó sao?' (c.30). Hãy thận trọng khi sử dụng ‘tôi’ và ‘của tôi’ theo cách này!
Bài học mà Chúa phải dạy cho Nê-bu-cát-nết-sa, và đôi khi phải dạy cho chúng ta, đó là mọi thứ bạn có đều là món quà từ Chúa – 'Đấng Chí Cao cai trị vương quốc loài người và Ngài muốn ban cho ai tùy ý' (c.32) ).
Những món quà thuộc linh, thuộc thể, gia đình, nhà cửa, sự hiểu biết, ngoại hình, tiền bạc, khả năng thể thao – đều là những món quà từ Chúa. Phản ứng của bạn trước bất kỳ thành công nào không phải là kiêu ngạo, tự cho mình là quan trọng hay tự khen ngợi bản thân, mà phải là phản ứng khen ngợi và cảm tạ Chúa – tôn vinh và tán dương Ngài vì những gì Ngài đã ban cho bạn (c.34–37).
Nê-bu-cát-nết-sa coi mọi việc là đương nhiên và không tạ ơn và tôn vinh Chúa vì những gì Chúa đã làm cho ông. Đúng hơn, ông coi tất cả là thành quả của chính tay mình.
Khi Nê-bu-cát-nết-sa được phục hồi, ông nhận ra rằng mọi thứ ông có đều đến từ Đức Chúa Trời. Thay vì tự mình nhận lấy vinh quang, ông cảm tạ và tôn vinh Đức Chúa Trời, 'ca ngợi, tôn vinh và tán dương Vua Trời' (c.34–37).
Khiêm nhường không có nghĩa là giả vờ rằng bạn không có những gì bạn có, nhưng nó có nghĩa là nhận ra nguồn gốc của những gì bạn có và đưa ra lời ngợi khen thích đáng: 'Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa ca ngợi, tôn vinh và tán dương Vua Trời vì mọi công việc Ngài đều chân thật và mọi đường lối Ngài đều ngay thẳng' (c.37).
Lời chứng của ông được tóm tắt bằng những lời này: ‘Kẻ nào bước đi cách kiêu ngạo Ngài có thể hạ xuống’ (c.37b).
Đa-ni-ên nói với Nê-bu-cát-nết-sa: ‘Vì vậy, tâu đức vua, xin nghe lời khuyên của tôi, hãy từ bỏ tội lỗi bằng cách làm điều công chính, hãy thương xót những người nghèo khó để chuộc những điều gian ác mình. Như vậy, thời thái bình thịnh trị của vua có thể kéo dài thêm’ (c.27).
Thế hệ tiếp theo đã không học được những bài học của quá khứ. Vua Bên-xát-sa đã vi phạm điều răn thờ phượng chỉ mình Đức Chúa Trời và 'ngợi khen các thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá' (5:4).
Như với Nê-bu-cát-nết-sa, dưới vẻ ngoài ấy, có một nỗi sợ hãi sâu xa trong cuộc đời Bên-xát-sa – ông không có được sự bình an với Đức Chúa Trời. Cả hai đều được Chúa cảnh báo và bảo phải làm gì. Sự khác biệt là Nê-bu-cát-nết-sa đã ăn năn, hạ mình xuống, thừa nhận và tạ ơn Đức Chúa Trời, trong khi Bên-xát-sa thì không.
Bản thân Đa-ni-ên 'có ánh sáng, thông hiểu và khôn ngoan, như sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời' (c.11). Ông được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Chắc hẳn đã có một sự cám dỗ lớn lao khiến ông trở nên kiêu ngạo. Tuy nhiên, Đa-ni-ên vẫn khiêm nhường trông cậy Chúa, dâng cho Chúa mọi vinh quang, sự tôn vinh và lòng tạ ơn.
Cầu nguyện
Pippa chia sẻ
II Phi-e-rơ 3:10 nói:
‘Tuy nhiên, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; bấy giờ các tầng trời sẽ biến đi trong tiếng vang rền, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa, đất và mọi công trình trên đó đều sẽ bị thiêu hủy.’
‘Ngày của Chúa’ nghe có vẻ khá đáng sợ, nhưng câu 11 chỉ bảo chúng ta hãy tiếp tục sống ‘cuộc đời thánh khiết và tin kính’. Và câu 12 nói rằng hãy ‘nóng lòng trông đợi ngày của Đức Chúa Trời mau đến’.
Câu kinh thánh trong ngày
Thi Thiên 135:14
'Vì Đức Giê-hô-va sẽ bênh vực dân Ngài,
Và thương xót các đầy tớ Ngài.'
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Sign up nowBook
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
G.K. Chesterton, Ấn tượng Ireland (London: Collins, 1919), tr.24.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.