Biết khi nào nên quỳ gối
Giới thiệu
Raniero Cantalamessa là một tu sĩ dòng Capuchin. Năm 1977, ông được tòa thánh Vatican cử làm quan sát viên tại một hội nghị ở thành phố Kansas, Hoa Kỳ, nơi có 20.000 người Công giáo và 20.000 Cơ đốc nhân khác. Vào ngày cuối cùng của hội nghị, sau khi có người lên tiếng về thảm kịch của sự chia rẽ trong thân thể Đấng Christ (Hội thánh), 40.000 người đã quỳ xuống ăn năn. Khi Cha Raniero nhìn ra ngoài, ông thấy dòng chữ ‘Chúa GIÊ-SU LÀ CHÚA’ trên một tấm biển đèn neon lớn phía trên địa điểm tổ chức hội nghị. Ông mô tả, vào thời điểm đó, ông đã thoáng thấy ý nghĩa của sự hiệp nhất Cơ đốc giáo - 40.000 người quỳ gối ăn năn dưới uy quyền của Chúa Giê-su.
Ông đã nhờ ‘một giáo dân Tin lành’ cầu nguyện cho ông được kinh nghiệm nhiều hơn về Chúa Thánh Linh. Đức Thánh Linh đã đầy dẫy ông. Ông đã trải nghiệm tình yêu của Chúa dành cho mình theo một cách mới. Ông nhận thấy mình đang nói ‘theo cách giống như nói tiếng lạ’. Kinh Thánh trở nên sống động theo một cách mới. Ông đã nhận được một chức vụ mới. Năm 1980, ông được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời làm giảng thuyết cho Phủ Giáo hoàng. Đây là điều ông ấy đã làm kể từ đó. Năm 2020, ông được Đức Thánh Cha Phanxicô phong làm hồng y. Ba chủ đề chi phối chức vụ đáng chú ý của ông: sự hiệp nhất, tình yêu và Chúa Thánh Linh. Chúng khác biệt nhưng có mối liên kết chặt chẽ.
Thi Thiên 133:1-3
Phước hạnh của sự hòa thuận
Bài ca đi lên từng bậc. Thi Thiên của Đa-vít
133 Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau
Thật tốt đẹp biết bao!
2Điều ấy như dầu quý giá đổ trên đầu,
Chảy xuống râu,
Tức râu của A-rôn,
Chảy xuống gấu áo người;
3Giống như sương móc Hẹt-môn,
Sa xuống các núi Si-ôn.
Vì tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước
Tức là sự sống cho đến đời đời.
Bình luận
Sống cùng nhau trong sự hiệp nhất
Chúa ban phước cho sự 'hòa thuận’ (c.1). Tôi đã nhìn thấy điều đó nhiều lần. Ngài chúc phước cho sự hiệp nhất trong hôn nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng, quốc gia và trong Hội thánh. Khi các Cơ đốc nhân từ các Hội thánh, truyền thống và giáo phái khác đến với nhau trong sự hiệp nhất, ‘tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước’ (c.3).
Tác giả Thi Thiên viết: ‘Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau thật tốt đẹp biết bao!' (c.1). Có câu tục ngữ: ‘Cái gì yếu đoàn kết lại trở nên mạnh mẽ’. Con người cũng vậy: kẻ yếu đoàn kết lại trở nên mạnh mẽ.
Người viết Thi Thiên mô tả sự hiệp nhất này ‘như dầu quý’ (c.2, sử dụng hình ảnh từ Lê-vi ký 8:12). Nó giống như ‘sương móc Hẹt-môn’ (Thi Thiên 133:3). Núi Hẹt-môn là một khu vực rộng lớn. Ngọn núi này thường có tuyết phủ và cao hơn 9.000 feet so với mực nước biển. Sương của nó được cho là giữ cho toàn bộ vùng đất trong lành.
Những hình ảnh dầu và sương là hình ảnh của phước lành. Ở đâu có sự hiệp nhất, ‘tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước’ (c.3).
Cầu nguyện
I Phi-e-rơ 4:1-19
Đời sống được biến đổi
4 Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong thể xác, thì anh em cũng hãy lấy tư tưởng ấy làm vũ khí; vì người nào đã chịu khổ trong thể xác thì đã đoạn tuyệt với tội lỗi, 2để bao lâu còn sống trong thể xác thì anh em không sống theo những dục vọng con người, mà theo ý muốn Đức Chúa Trời. 3Ngày trước anh em đã phí thời gian để làm những việc dân ngoại thích làm, như sống phóng đãng, tham dục, say sưa, cuồng loạn, trác táng, thờ hình tượng gớm ghiếc. 4Khi thấy anh em không còn dự vào sự trụy lạc phóng túng ấy nữa thì họ ngạc nhiên và nói xấu anh em. 5Nhưng họ sẽ phải khai trình với Đấng sẵn sàng phán xét người sống và kẻ chết. 6Vì lý do đó, Tin Lành cũng đã được giảng ra cả cho kẻ chết, để sau khi bị phán xét theo loài người về phần thể xác, họ được sống theo Đức Chúa Trời về phần tâm linh.
Quản lý các ân tứ
7Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy tỉnh táo và tiết độ để cầu nguyện. 8Trước hết, hãy yêu thương nhau tha thiết; vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi. 9Hãy tiếp đãi nhau không chút cằn nhằn. 10Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau. 11Nếu có ai giảng luận thì hãy giảng như rao truyền lời của Đức Chúa Trời; nếu có ai phục vụ thì hãy phục vụ bằng sức mạnh của Đức Chúa Trời ban cho, để trong mọi sự Đức Chúa Trời được tôn vinh qua Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyện vinh quang và quyền năng thuộc về Ngài đời đời vô cùng. A-men.
Chịu khổ vì Đấng Christ
12Thưa anh em yêu dấu, khi lửa thử thách đến để thử nghiệm anh em thì đừng ngạc nhiên như mình gặp một việc khác thường. 13Nhưng anh em dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu thì hãy vui mừng bấy nhiêu; để khi vinh quang của Ngài được bày tỏ, anh em cũng được vui mừng, hoan hỉ. 14Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Đấng Christ thì anh em có phước, vì Thánh Linh vinh quang của Đức Chúa Trời ngự trên anh em. 15Đừng có ai trong anh em chịu khổ như kẻ giết người, kẻ trộm cắp, kẻ phạm pháp, hoặc kẻ ưa xen vào chuyện người khác. 16Trái lại, nếu có ai vì làm Cơ Đốc nhân mà chịu khổ thì đừng hổ thẹn; nhưng hãy vì danh ấy mà tôn vinh Đức Chúa Trời. 17Vì thời kỳ phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời; nếu bắt đầu từ chúng ta thì sự cuối cùng của những kẻ không vâng phục Tin Lành Đức Chúa Trời sẽ thế nào? 18Và
“Nếu người công chính còn khó được cứu rỗi,
Thì những kẻ bất kính và kẻ có tội sẽ ra sao?”
19Vậy, những người chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy tiếp tục làm lành và phó thác linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín.
Bình luận
Yêu thương nhau tha thiết
Sứ đồ Phi-e-rơ viết: ‘Trước hết, hãy yêu thương nhau tha thiết’ (c.8a). Từ Hy Lạp dùng cho 'tha thiết' là từ dùng để chỉ con ngựa đang phi nước đại. Nó có nghĩa là 'kéo dài' và đôi khi được dịch là 'nhiệt thành'.
Loại tình yêu này ‘che đậy vô số tội lỗi (tha thứ và không bận tâm đến lỗi lầm của người khác)’ (c.8b). Tình yêu thương tha thứ lỗi lầm của người khác vì bạn biết ân điển yêu thương, tha thứ của Đức Chúa Trời trong cuộc đời bạn.
Đây là chìa khóa để duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và tránh dễ gây bất hòa với người khác. Trong cuộc sống của bạn, bạn biết Chúa yêu bạn biết bao và đã tha thứ tội lỗi của bạn biết ngường nào. Hãy sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm và tội lỗi của người khác.
Điều này không có nghĩa là tội lỗi không thành vấn đề. Ngược lại, Phi-e-rơ thúc giục chúng ta ‘đoạn tuyệt với tội lỗi’ (c.1). Hãy đoạn tuyệt với lối sống cũ đầy dục vọng xấu xa của con người và sống theo ý muốn Chúa (c.2).
Tôi nhớ rất rõ phản ứng của một số người bạn khi lần đầu tiên tôi gặp Chúa Giê-su. Họ ngạc nhiên trước sự thay đổi và cho rằng nó thật kỳ lạ. Phi-e-rơ viết: ‘Ngày trước anh em đã phí thời gian để làm những việc dân ngoại thích làm, như sống phóng đãng, tham dục, say sưa, cuồng loạn, trác táng, thờ hình tượng gớm ghiếc. Khi thấy anh em không còn dự vào sự trụy lạc phóng túng ấy nữa thì họ ngạc nhiên và nói xấu anh em’ (c.3–4).
Bạn được kêu gọi sống khác biệt: hãy có một tâm trí sáng suốt và tự chủ để có thể cầu nguyện (c.7); trên hết, hãy yêu thương nhau (c.8), tiếp đãi nhau và sử dụng những ân tứ của mình (c.9–10). ‘Nhất là hãy luôn luôn tỏ lòng yêu thương nhau, vì tình yêu khỏa lấp nhiều tội lỗi. Hãy hoan hỉ tiếp đãi nhau, đừng phàn nàn’ (c.8–9, BDY).
Giống như sứ đồ Phao-lô, Phi-e-rơ đặt việc sử dụng các ân tứ của Đức Thánh Linh trong bối cảnh tình yêu thương (c.10–11; xem thêm I Cô-rinh-tô 12–14). Mục đích của những ân tứ là tình yêu.
Dù có yêu tha thiết thì không phải lúc nào tình yêu ấy cũng được đáp lại. Đôi khi, những gì chúng ta nhận được trái với mong đợi. Đừng ngạc nhiên về điều đó: ‘Thưa anh em yêu dấu, khi lửa thử thách đến để thử nghiệm anh em thì đừng ngạc nhiên như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu thì hãy vui mừng bấy nhiêu; để khi vinh quang của Ngài được bày tỏ, anh em cũng được vui mừng, hoan hỉ’ (I Phi-e-rơ 4:12–13).
Đây là một loại đau khổ mà tất cả các Cơ đốc nhân đều được kêu gọi trải qua. Đau khổ là một phần của quá trình nên thánh. Chúa dùng đau khổ để tinh luyện bạn và loại bỏ tội lỗi trong cuộc đời bạn (c.1–2). Những lời xúc phạm thực sự là một phước lành: ‘Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Đấng Christ thì anh em có phước, vì Thánh Linh vinh quang của Đức Chúa Trời ngự trên anh em’ (c.14).
Mặc dù những lời sỉ nhục gây tổn thương, nhưng xét cho cùng, mọi lời chỉ trích đều là một phước lành. Nếu điều đó là đúng thì đó là một phước lành vì bạn có thể học hỏi từ nó. Nếu điều đó không đúng và 'anh em bị sỉ nhục vì danh Đấng Christ thì anh em có phước' (c.14). Thật vinh dự khi được liên kết với Chúa Giê-su đến nỗi việc chia sẻ nỗi đau khổ của Ngài cũng là một phước lành. Dù thế nào đi nữa, một khi bạn nắm bắt được điều này, bạn sẽ có thể coi mọi lời chỉ trích, dù đau đớn đến đâu, đều là một sự chúc phước!
Đôi khi chúng ta đau khổ vì tội lỗi của chính mình (c.15), nhưng đau khổ vì là Cơ đốc nhân không phải là lý do để xấu hổ – đó là lí do để vui mừng và ca ngợi Chúa (c.13,16). Điều đó không nên khiến bạn nản lòng, thay vào đó hãy tiếp tục làm những điều tốt: ‘Vậy, những người chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy tiếp tục làm lành và phó thác linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín’ (c.19). Martin Luther King đã nói: ‘Tôi đã quyết định bám lấy tình yêu thương. Sự căm ghét là một gánh nặng quá lớn để chịu được.'
Cầu nguyện
Ê-xê-chiên 47:1-48:35
Dòng sông từ đền thờ chảy ra
47 Kế đó, người ấy dẫn tôi về đến cửa đền thờ và nầy, dòng nước chảy ra từ dưới ngưỡng cửa của đền thờ về phía đông (vì đền thờ xây về hướng đông). Dòng nước ấy từ bên phải đền thờ chảy xuống phía nam của bàn thờ. 2Người ấy đem tôi ra bằng con đường của cổng phía bắc và dẫn tôi đi vòng quanh phía bên ngoài cho đến cổng ngoài hướng về phía đông và nước từ phía nam chảy về.
3Tiến về phía đông, tay cầm một cái dây đo, người ấy đo được năm trăm mét, và dẫn tôi lội qua nước; nước vừa đến mắt cá. 4Người ấy lại đo năm trăm mét và dẫn tôi đi qua nước; nước vừa đến đầu gối. Người ấy lại đo năm trăm mét nữa và dẫn tôi đi qua nước; nước lên đến ngang hông. 5Người ấy lại đo năm trăm mét nữa; bấy giờ là một con sông mà tôi không thể đi qua được vì nước đã lên cao, mà phải bơi qua; đó là một con sông mà người ta không thể đi qua được. 6Bấy giờ, người ấy bảo tôi: “Hỡi con người, ngươi có thấy không?”
Rồi người ấy đem tôi trở lại nơi bờ sông. 7Khi đến đó rồi, nầy, hai bên bờ sông có rất nhiều cây. 8Người ấy bảo tôi: “Dòng nước nầy chảy thẳng đến phương đông xuống nơi đồng bằng và chảy về biển, và khi đã chảy về biển thì nước biển trở nên ngọt. 9Bất cứ nơi nào mà sông ấy chảy đến thì mọi sinh vật, tức là sinh vật sống động trong nước, đều sẽ được sống và ở đó sẽ có rất nhiều loài cá. Nước ấy chảy đến đâu thì nước biển trở nên ngọt, và nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sẽ sống ở đó. 10Những người đánh cá sẽ đứng trên bờ sông ấy; từ Ên Ghê-đi cho đến Ên Ê-la-im sẽ là nơi để giăng lưới. Ở đó, có nhiều loại cá, giống như cá ở Biển Lớn vậy. 11Nhưng các đầm lầy của nó sẽ không trở nên ngọt mà dùng làm ruộng muối. 12Trên bờ sông ấy, bên nầy và bên kia, sẽ sinh đủ loại cây ăn trái, lá chúng không hề héo và trái chúng không hề dứt. Mỗi tháng, chúng sẽ sinh ra trái mới, vì nước chảy ra từ nơi thánh tưới cho chúng. Trái nó dùng để ăn, lá nó dùng để làm thuốc.”
Ranh giới của đất mới
13Chúa Giê-hô-va phán: “Nầy là ranh giới của vùng đất mà các ngươi sẽ chia cho mười hai bộ tộc Y-sơ-ra-ên làm sản nghiệp. Giô-sép sẽ được hai phần. 14Các ngươi sẽ chia nhau làm sản nghiệp vì Ta đã thề sẽ ban đất nầy cho tổ phụ các ngươi, và các ngươi sẽ được đất ấy làm sản nghiệp.
15Đây là ranh giới của đất: Về phía bắc, từ Biển Lớn theo con đường Hết-lôn cho đến đường dẫn đến Xê-đát, 16Ha-mát, Bê-rốt và Síp-ra-im, (biên giới giữa Đa-mách và Ha-mát), Hát-se Hát-thi-côn, tức trên biên giới của Ha-vơ-ran. 17Biên giới nầy chạy dài từ biển đến Hát-sa-ê-nôn đến biên giới phía bắc của Đa-mách, và đến biên giới Ha-mát phía bắc.
18Phía đông chạy dài giữa Ha-vơ-ran, Đa-mách, Ga-la-át và đất Y-sơ-ra-ên, dọc theo sông Giô-đanh. Các ngươi hãy đo phần đất từ biên giới phía bắc cho đến biển phía đông. Đó là biên giới phía đông.
19Phía nam chạy từ Tha-ma cho đến sông Mê-ri-ba tại Ca-đe, đến tận khe Ai Cập cho đến Biển Lớn. Đó là biên giới phía nam.
20Phía tây sẽ là Biển Lớn, từ biên giới phía nam cho đến lối vào Ha-mát. Đây là biên giới phía tây.
21Các ngươi phải chia đất nầy cho nhau theo từng bộ tộc Y-sơ-ra-ên. 22Các ngươi phải bắt thăm để chia sản nghiệp cho chính các ngươi và cho những người ngoại cư ngụ giữa các ngươi và sinh con cái giữa các ngươi. Các ngươi sẽ coi họ như những người dân sinh trưởng tại Y-sơ-ra-ên; họ cũng được phân chia sản nghiệp giữa các bộ tộc Y-sơ-ra-ên. 23Người ngoại cư ngụ trong bộ tộc nào thì các ngươi sẽ lấy sản nghiệp ở đó mà cấp cho họ,” Chúa Giê-hô-va phán vậy.
Phân chia đất mới
48 Đây là tên các bộ tộc: Phần đất từ phía cực bắc chạy dài từ Hết-lôn cho đến đường vào Ha-mát, đến tận Hát-sa-ê-nôn (là biên giới của Đa-mách với Ha-mát), trải dài từ phía đông sang phía tây, là phần đất thuộc về Đan. 2Tiếp giáp với địa phận Đan, từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất của A-se. 3Tiếp giáp với địa phận A-se, từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất của Nép-ta-li. 4Tiếp giáp với địa phận Nép-ta-li, từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất của Ma-na-se. 5Tiếp giáp với địa phận của Ma-na-se từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất của Ép-ra-im. 6Tiếp giáp với địa phận của Ép-ra-im, từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất của Ru-bên. 7Tiếp giáp với địa phận của Ru-bên, từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất của Giu-đa. 8Tiếp giáp với địa phận của Giu-đa, từ phía đông đến phía tây, sẽ là phần đất mà các ngươi sẽ biệt riêng. Phần đất ấy sẽ là mười hai nghìn năm trăm mét chiều ngang và chiều dài từ đông sang tây bằng một phần của các bộ tộc. Nơi thánh sẽ ở giữa phần đất ấy.
9Phần đất mà các ngươi sẽ dâng cho Đức Giê-hô-va có chiều dài mười hai nghìn năm trăm mét và chiều ngang năm nghìn mét. 10Phần đất thánh sẽ dành cho các thầy tế lễ, có mười hai nghìn năm trăm mét chiều dài, về phía bắc, năm nghìn mét chiều ngang về phía tây, năm nghìn mét về phía đông, và mười hai nghìn năm trăm mét chiều dài về phía nam. Nơi thánh của Đức Giê-hô-va sẽ ở chính giữa. 11Phần đất ấy sẽ dành cho các thầy tế lễ đã được biệt ra thánh, tức là cho các con trai của Xa-đốc là những người phục vụ trong nơi thánh Ta; họ không lầm lạc như người Lê-vi trong lúc con cái Y-sơ-ra-ên lầm lạc. 12Họ sẽ có một phần đặc biệt lấy ra từ phần đất thánh, là phần rất thánh tiếp giáp với địa phận người Lê-vi. 13Người Lê-vi sẽ bắt thăm phần dọc theo địa phận của thầy tế lễ, gồm mười hai nghìn năm trăm mét chiều dài, và năm nghìn mét chiều ngang. Tổng cộng chiều dài là mười hai nghìn năm trăm mét, và chiều ngang là năm nghìn mét. 14Phần đất ấy họ sẽ không được bán, không được đổi, không được nhượng trái đầu mùa của đất ấy cho người khác vì nó đã biệt ra thánh cho Đức Giê-hô-va.
15Phần còn lại, hai nghìn năm trăm mét chiều ngang, mười hai nghìn năm trăm mét chiều dài, làm đất sử dụng chung cho thành phố, để làm nhà ở và làm đồng cỏ. Thành phố sẽ ở chính giữa. 16Kích thước của nó như sau: Phía bắc hai nghìn hai trăm năm mươi mét; phía nam hai nghìn hai trăm năm mươi mét, phía đông hai nghìn hai trăm năm mươi mét, phía tây hai nghìn hai trăm năm mươi mét. 17Đồng cỏ của thành phố, về phía bắc sẽ có một trăm hai mươi lăm mét; phía nam có một trăm hai mươi lăm mét; phía đông một trăm hai mươi lăm mét; và phía tây một trăm hai mươi lăm mét.
18Về vùng đất còn lại dọc theo phần đất thánh, sẽ là năm nghìn mét phía đông và năm nghìn mét phía tây, tức là bề dài của phần đất thánh ấy, sẽ làm nơi cung cấp hoa lợi dùng làm thực phẩm cho những người làm việc trong thành. 19Những người làm việc trong thành gồm tất cả các bộ tộc Y-sơ-ra-ên sẽ cày cấy phần đất ấy. 20Tổng diện tích của phần đất biệt riêng gồm mười hai nghìn năm trăm mét chiều dài, mười hai nghìn năm trăm mét chiều ngang; các ngươi phải dâng phần đất thánh ấy làm tài sản thành phố.
21Phần đất còn lại ở hai bên đất thánh và địa phận thành phố sẽ thuộc về vua. Nó trải dài về phía đông từ mười hai nghìn năm trăm mét của phần đất thánh cho đến biên giới phía đông, và về phía tây, từ mười hai nghìn năm trăm mét cho đến biên giới phía tây, dọc theo các phần đất của các bộ tộc. Nó sẽ thuộc về vua; còn phần đất thánh cùng với nơi thánh của đền thờ sẽ ở chính giữa. 22Như vậy, trừ phần sản nghiệp của người Lê-vi và địa phận thành phố thì phần của vua sẽ ở giữa địa phận Giu-đa và địa phận Bên-gia-min.
23Về phần các bộ tộc còn lại: Từ đông sang tây, là phần đất dành cho Bên-gia-min. 24Tiếp giáp với địa phận Bên-gia-min, từ đông sang tây, là phần dành cho Si-mê-ôn. 25Tiếp giáp với địa phận Si-mê-ôn, từ đông sang tây, là phần đất dành cho Y-sa-ca; 26Tiếp giáp với địa phận Y-sa-ca, từ đông sang tây, là phần đất dành cho Sa-bu-lôn. 27Tiếp giáp với địa phận Sa-bu-lôn, từ đông sang tây, là phần đất dành cho Gát. 28Và biên giới phía nam Gát sẽ chạy dài từ phía nam, từ Tha-ma đến sông Mê-ri-ba ở Ca-đe, đến Suối Ai Cập cho đến Biển Lớn.
29Đây là đất mà các ngươi sẽ bắt thăm để chia cho các bộ tộc Y-sơ-ra-ên làm sản nghiệp và là phần của họ, Chúa Giê-hô-va phán vậy.
30Đây là những lối ra của thành phố: Về phía bắc, đo được hai nghìn hai trăm năm mươi mét. 31Những cổng thành sẽ đặt tên theo tên các bộ tộc Y-sơ-ra-ên. Phía bắc ba cổng: cổng Ru-bên, cổng Giu-đa, và cổng Lê-vi. 32Phía đông đo được hai nghìn hai trăm năm mươi mét, và có ba cổng: cổng Giô-sép, cổng Bên-gia-min, và cổng Đan. 33Phía nam đo được hai nghìn hai trăm năm mươi mét, và có ba cổng: cổng Si-mê-ôn, cổng Y-sa-ca, và cổng Sa-bu-lôn. 34Phía tây đo được hai nghìn hai trăm năm mươi mét, và có ba cổng: cổng Gát, cổng A-sa, và cổng Nép-ta-li. 35Chu vi thành sẽ có chín nghìn mét, và từ nay về sau, tên của thành sẽ là: “Đức Giê-hô-va ngự tại đó!”
Bình luận
Khát khao sự tuôn đổ của Chúa Thánh Linh
Khi tình yêu của Chúa được Đức Thánh Linh đổ vào lòng bạn (Rô-ma 5:5), Thánh Linh của Đức Chúa Trời mang lại sự sống dồi dào, sự tăng trưởng thuộc linh, gia tăng bông trái và sự chữa lành cho cuộc sống của bạn.
Ê-xê-chi-ên nhìn thấy bức tranh này khi ông nhìn thấy nước đổ ra từ dưới đền thờ. Nó phun ra và trở thành một dòng sông lúc đầu sâu đến mắt cá chân, sau đó sâu đến đầu gối, đến thắt lưng và cuối cùng 'là một con sông mà tôi không thể đi qua được vì nước đã lên cao, mà phải bơi qua; đó là một con sông mà người ta không thể đi qua được' (Ê-xê-chi-ên 47:5). Có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông (c.7). Sông chảy tới đâu thì biển trở nên trong lành (c.8).
‘Bất cứ nơi nào mà sông ấy chảy đến thì mọi sinh vật, tức là sinh vật sống động trong nước, đều sẽ được sống và ở đó sẽ có rất nhiều loài cá. Nước ấy chảy đến đâu thì nước biển trở nên ngọt, và nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sẽ sống ở đó. Những người đánh cá sẽ đứng trên bờ sông ấy; từ Ên Ghê-đi cho đến Ên Ê-la-im sẽ là nơi để giăng lưới. Ở đó, có nhiều loại cá, giống như cá ở Biển Lớn vậy...
‘Trên bờ sông ấy, bên nầy và bên kia, sẽ sinh đủ loại cây ăn trái, lá chúng không hề héo và trái chúng không hề dứt. Mỗi tháng, chúng sẽ sinh ra trái mới, vì nước chảy ra từ nơi thánh tưới cho chúng. Trái nó dùng để ăn, lá nó dùng để làm thuốc’ (c.8–12).
Chúa Giê-su nói rằng những lời hứa này của Ê-xê-chi-ên sẽ được ứng nghiệm không phải ở một nơi nào đó mà ở một người - chính Chúa Giê-su (Giăng 7:37–39). Nhờ Đức Thánh Linh, những dòng nước hằng sống cũng sẽ chảy ra từ bạn. Chúa Giê-su phán: ‘Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã nói’ (c.38).
Do đó, dòng sông sự sống này là hình ảnh về công việc của Thánh Linh, Đấng mang lại sự sống, sự dư dật và phước lành cho bạn, sau đó tuôn chảy ra khỏi bạn để có tác động tích cực đến người khác. Tất cả các hình ảnh đều hướng tới sự sống, sự tăng trưởng, bông trái và sự chữa lành. Đó là hình ảnh Hội thánh của Chúa Giê-su Christ đang phát triển và mang lại sự sống ở bất cứ nơi nào dòng sông chảy qua.
Cuối cùng, dòng sông tiên đoán và báo trước Giê-ru-sa-lem mới – thành phố nơi Đức Chúa Trời ngự. Tên của thành phố là ‘Đức Giê-hô-va ngự tại đó’ (Ê-xê-chi-ên 48:35). Điều này báo trước trời mới và đất mới (xem Khải Huyền 22:1–2), mà Chúa Giê-su sẽ mang đến khi Ngài trở lại.
Cầu nguyện
Pippa chia sẻ
Trong I Phi-e-rơ 4:8 có nói:
‘Trước hết, hãy yêu thương nhau tha thiết; vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi.'
Khi thế giới dường như xung đột, chia rẽ, phán xét nhanh chóng hoặc nghĩ điều tồi tệ nhất về nhau, việc đổ tình yêu vào hoàn cảnh đó có thể bắt đầu lật ngược tình thế.
Câu kinh thánh trong ngày
I Phi-e-rơ 4:8
'Trước hết, hãy yêu thương nhau tha thiết; vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi.'
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Sign up nowBook
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Amplified® Bible, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 bởi The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.