Làm thế nào để lớn lên về mặt thuộc linh
Giới thiệu
Tôi nhớ rất rõ đêm đầu tiên đó. Mỗi khi nghe thấy một âm thanh nhỏ nhất, chúng tôi liền nhảy ra khỏi giường và bế con lên. Thằng bé rất nhỏ - không lớn hơn một bàn tay là mấy. Đó là một cuộc sống mới. Đứa con đầu lòng của chúng tôi đã chào đời. Chúng tôi rất tự hào. Một đêm ba bốn lần, cu cậu sẽ tỉnh giấc vì thèm sữa. Pippa sẽ cho thằng bé ăn thường xuyên. Tất nhiên, cậu bé ấy đã trưởng thành. Bây giờ khi tôi nhìn con trai mình, nó to gần gấp đôi Pippa, thật khó tin rằng thằng bé đã từng nhỏ như vậy.
Sự sinh ra là một khoảnh khắc thú vị. Sự tái sinh tâm linh mới cũng vậy. Chúa Giê-su nói: ‘Thật, Ta bảo thật ngươi, nếu một người không được sinh lại, thì không thể thấy vương quốc Đức Chúa Trời’ (Giăng 3:3). Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay của chúng ta, Phi-e-rơ viết về ‘sự sống lại từ cõi chết’ (I Phi-e-rơ 1:3). ‘Bởi lòng thương xót dư dật của Ngài, chúng ta được tái sinh để có một hi vọng sống, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Jêsus Christ’ (c.3).
Sự sinh ra thuộc linh này trái ngược với sự sinh nở tự nhiên, vốn chỉ dẫn đến ‘lối sống phù phiếm’ (c.18).
Sự tái sinh có nghĩa là bây giờ bạn có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha của bạn (c.17). Trên thực tế, cả Ba Ngôi đều bao gồm trong đó: ‘Đức Chúa Trời là Cha, và được thánh hóa bởi Thánh Linh, để vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ và dự phần trong sự rảy huyết Ngài’ (c.2).
Sự sinh ra về mặt thể xác một ngày nào đó sẽ kết thúc bằng cái chết về mặt thể xác. Nhưng sự sinh ra thuộc linh dẫn đến sự sống đời đời – ‘niềm hy vọng của chúng ta tràn trề sức sống vĩnh cửu' (c.3, BDY). Đời sống vật chất giống như hoa cỏ khô héo. Nhưng sự sống hoàn toàn mới này được chính Đức Chúa Trời tạo nên và tồn tại mãi mãi (c.23–25).
Trong các phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy ý nghĩa của sự tái sinh này, các giai đoạn phát triển thuộc linh khác nhau với tư cách là con trai hay con gái của Chúa và cách ‘anh em được lớn lên trong sự cứu rỗi’ (2:2).
Thi Thiên 131:1-3
Tin cậy Chúa như con tin cậy mẹ
Bài ca đi lên từng bậc. Thi Thiên của Đa-vít
1Lạy Đức Giê-hô-va, lòng con không kiêu ngạo,
Mắt con không tự cao;
Con cũng không theo đuổi những việc quá lớn lao,
Hay những việc kỳ diệu quá cho con.
2Con đã làm cho linh hồn con êm dịu, an tịnh,
Như đứa trẻ đã thôi bú bên mẹ mình;
Linh hồn ở trong con cũng như đứa trẻ thôi bú vậy.
3Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy trông cậy nơi Đức Giê-hô-va
Từ nay cho đến đời đời.
Bình luận
Hãy tin như con trẻ
Đôi khi tôi cảm thấy bồn chồn, lo lắng và thậm chí là sợ hãi. Đó là lý do tại sao tôi yêu thích bài Thi thiên này. Đó là một bức tranh đẹp về sự tin cậy hoàn toàn: ‘Như đứa trẻ đã thôi bú bên mẹ mình’ (c.2). Khi tôi nhìn bất kỳ đứa cháu nào của chúng tôi trong vòng tay của cha mẹ chúng, tôi thấy một hình ảnh về sự tin tưởng và bảo vệ hoàn toàn.
Làm thế nào để tôi có sự tin tưởng hoàn toàn này? Đầu tiên, hãy từ chức giám đốc điều hành vũ trụ đi. Hãy ngừng cố gắng kiểm soát mọi người và mọi thứ. Tác giả Thi Thiên viết: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, lòng con không kiêu ngạo, mắt con không tự cao; con cũng không theo đuổi những việc quá lớn lao, hay những việc kỳ diệu quá cho con’ (c.1).
Thứ hai, hãy đặt niềm tin cậy của bạn vào Chúa giống như cách một đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ: ‘Con đã làm cho linh hồn con êm dịu, an tịnh, như đứa trẻ đã thôi bú bên mẹ mình; linh hồn ở trong con cũng như đứa trẻ thôi bú vậy’ (c.2).
Cầu nguyện
I Phi-e-rơ 1:1-2:3
Lời chào thăm
1 Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, kính gửi những người kiều ngụ rải rác trong các xứ Pông, Ga-la-ti, Cáp-pa-đốc, A-si-a và Bi-thi-ni, là những người được chọn lựa 2theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là Cha, và được thánh hóa bởi Thánh Linh, để vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ và dự phần trong sự rảy huyết Ngài. Cầu xin ân điển và bình an càng gia tăng trên anh em!
Hi vọng trong thử thách
3Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ! Bởi lòng thương xót dư dật của Ngài, chúng ta được tái sinh để có một hi vọng sống, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Jêsus Christ, 4và hưởng một cơ nghiệp không hư hoại, không hoen ố, không suy tàn, để dành trong các tầng trời cho anh em, 5là những người nhờ đức tin được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, để nhận sự cứu rỗi là điều sẵn sàng bày tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng! 6Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; 7để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến. 8Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả; 9vì anh em nhận được thành quả của đức tin, là sự cứu rỗi linh hồn mình.
Sự cứu rỗi đã được báo trước
10Về sự cứu rỗi đó, các nhà tiên tri đã tìm tòi, tra xét, và đã báo trước về ân điển dành sẵn cho anh em. 11Họ tra xem để biết vào thời điểm nào và hoàn cảnh nào mà Thánh Linh Đấng Christ trong họ đã chỉ dẫn, khi Ngài báo trước sự thương khó của Đấng Christ và vinh quang theo sau. 12Các nhà tiên tri đã được tỏ cho biết rằng họ không phục vụ chính mình, mà phục vụ anh em về những điều hiện nay đã công bố cho anh em bởi những người, nhờ Đức Thánh Linh là Đấng từ trời sai xuống, giảng Tin Lành cho anh em. Chính các thiên sứ cũng ước ao được nhìn thấy những điều ấy.
Kêu gọi sống thánh khiết
13Vậy, anh em hãy chuẩn bị tâm trí, hãy tiết độ, đặt hi vọng hoàn toàn vào ân điển sẽ ban cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra. 14Như con cái biết vâng lời, anh em đừng chiều theo những dục vọng lúc trước, khi anh em còn mê muội. 15Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình, 16vì có lời chép: “Các con phải thánh, vì Ta là thánh.” 17Nếu anh em xưng Ngài là Cha, Đấng không thiên vị và phán xét mỗi người theo công việc họ làm, thì hãy đem lòng kính sợ mà sống trong thời kỳ ở trọ nầy. 18Vì anh em biết rằng không phải nhờ vào những vật dễ hư hoại như bạc hoặc vàng mà anh em được chuộc khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên mình truyền lại, 19nhưng bởi huyết báu của Đấng Christ, như huyết của chiên con không khuyết tật, không tì vết, 20đã được định sẵn trước khi tạo dựng vũ trụ, nhưng vì anh em mà được bày tỏ vào thời kỳ cuối cùng nầy. 21Nhờ Ngài mà anh em tin vào Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết và ban cho Ngài vinh quang, để đức tin và hi vọng của anh em được đặt nơi Đức Chúa Trời.
22Nhờ vâng phục chân lý, anh em đã thanh tẩy linh hồn mình để có được tình huynh đệ chân thành. Hãy hết lòng yêu thương nhau tha thiết. 23Anh em đã được tái sinh, không phải bởi hạt giống dễ hư hoại, nhưng bởi hạt giống không hề hư hoại, đó là lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời. 24Vì,
“Mọi xác thịt giống như cỏ,
Và mọi vinh quang của nó giống như hoa cỏ.
Cỏ khô, hoa rụng,
25Nhưng lời Chúa tồn tại đời đời.”
Lời đó là Tin Lành đã được công bố cho anh em.
Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà
2 Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi điều độc ác, xảo trá, đạo đức giả, ghen tị và mọi chuyện vu cáo. 2Anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết như trẻ sơ sinh, để nhờ đó anh em được lớn lên trong sự cứu rỗi, 3nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào.
Bình luận
Lớn lên như một đứa trẻ
Cuộc sống làm con cái Chúa thật thú vị. Sứ đồ Phi-e-rơ viết về việc 'hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả' (1:8). Nó đến như là kết quả của việc ‘tái sinh’ (c.3). Phi-e-rơ cho chúng ta biết rằng sự 'tái sinh’ dẫn đến:
1. Sự an ninh bất chấp tuổi tác
Tương lai của bạn được đảm bảo vì nó dựa trên sự phục sinh của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã được chôn. Chúa đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết (c.21). Một ngày nào đó, điều tương tự sẽ xảy ra với bạn.
Bạn là người thừa kế tài sản lớn nhất. Không có gì trong cuộc sống này là hoàn hảo - tất cả tài sản trên thế gian này cuối cùng sẽ bị mục nát hoặc bị phá hủy. Nhưng cơ nghiệp của bạn sẽ ‘không bao giờ hư mất’: nó sẽ không bao giờ 'hư hoại, không hoen ố, không suy tàn’ (c.4). Nó được đảm bảo, được ‘để dành trong các tầng trời cho anh em, là những người nhờ đức tin được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, để nhận sự cứu rỗi là điều sẵn sàng bày tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng!’ (c.4–5). Cơ nghiệp của bạn cũng có tên của bạn trên đó.
C.S. Lewis đã viết: ‘Khi chúng ta già đi, chúng ta trở nên giống như những chiếc xe cũ – ngày càng cần phải sửa chữa và thay thế nhiều hơn. Chúng ta chỉ cần mong chờ những cỗ máy mới tốt đẹp (mẫu Phục sinh mới nhất) đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hy vọng như vậy, trong Gara Thiên Thượng.'
2. Vui mừng bất chấp đau khổ
Sự vui mừng không phụ thuộc vào hoàn cảnh (c.6–7). Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng: ‘Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách’ (c.6). Bức thư này có lẽ được viết từ Rô-ma, vào khoảng năm 62–64 sau Công nguyên, ngay trước cuộc đàn áp của Nero. Những cơ đốc nhân đã phải chịu đau khổ rồi. Nỗi đau khổ của tôi có thể rất nhỏ so với nỗi đau của họ, nhưng tất cả chúng ta đều phải chịu đựng sự mất mát, thất vọng, bắt bớ, cám dỗ và mọi khó khăn trong cuộc sống.
Phi-e-rơ nói, ‘hãy vui mừng về điều ấy’ (c.6, xem thêm Gia-cơ 1:2) vì ba lý do:
- sự ngắn ngủi tương đối của những thử thách (‘trong ít lâu’, I Phi-e-rơ 1:6) so với những gì ở trong tương lai.
- bởi vì đằng sau chúng có một mục đích: ‘đức tin anh chị em là thứ quý hơn vàng’ của chúng ta (c.7, BD2011) đang được tinh luyện.
- kết quả của những thử thách là ‘sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng’ (c.7) khi Chúa Giê-su Christ được mạc khải.
3. Sự thân mật bất chấp sự không nhìn thấy
Phi-e-rơ đã thực sự nhìn thấy Chúa Giê-su. Những người mà Phi-e-rơ đang viết thư cho thì chưa: ‘Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả’ (c.8). Giống như họ, bạn chưa bao giờ nhìn thấy Chúa Giê-su – nhưng cũng giống như họ, bạn cũng có thể trải nghiệm mối quan hệ cá nhân và hàng ngày với Chúa Giê-su, và nhận được mục tiêu đức tin của mình – sự cứu rỗi linh hồn (c.9).
Thật là một ân điển đặc biệt được sống trong thời kỳ sau lần đến đầu tiên của Chúa Giê-su. Bạn đang sống trong thời đại của Thánh Linh. Bạn đã nhận được ân điển mà toàn bộ Cựu Ước đã chỉ ra. ‘Thánh Linh của Đấng Mê-si-a’ đang hoạt động nơi các tiên tri, chỉ ra sự đau khổ và vinh quang của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hoạt động tích cực trong Cựu Ước, nhưng họ phải chờ đợi sự mặc khải đầy đủ của Ngài.
Ngài đang quay lại. Hãy chuẩn bị sẵn sàng.
Trong khi chờ đợi, hãy tăng trưởng: ‘Như con cái biết vâng lời, anh em đừng chiều theo những dục vọng lúc trước, khi anh em còn mê muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình, vì có lời chép: “Các con phải thánh, vì Ta là thánh.”' (c.14–16). Chỉ có Chúa Thánh Linh, Đấng mang đến sự tái sinh này và hiện đang sống trong bạn, mới có thể làm cho bạn nên thánh.
Hãy bỏ lại lối sống trống rỗng mà thay vào đó hãy sống với ‘một tình yêu chân thành’, yêu thương nhau sâu sắc từ trái tim (c.22, BPT). Đây là mục đích cuối cùng của đời sống Cơ đốc nhân: tình yêu dành cho Chúa Giê-su, Đấng đã chết để biến tất cả những điều này thành hiện thực (c.19–20) và tình yêu tha thiết dành cho nhau (c.22).
Sứ đồ Phi-e-rơ viết: ‘Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi điều độc ác, xảo trá, đạo đức giả, ghen tị và mọi chuyện vu cáo. Anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết như trẻ sơ sinh, để nhờ đó anh em được lớn lên trong sự cứu rỗi, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào’ (2:1–3).
Cầu nguyện
Ê-xê-chiên 41:1-42:20
Tả cảnh trong đền thờ
41 Sau đó, người ấy đem tôi vào trong đền thờ và người ấy đo các trụ. Các trụ có bề ngang ba mét mặt nầy và ba mét mặt kia; tức là bằng bề ngang của các trụ đền tạm thuở xưa. 2Chiều ngang của cửa vào là năm mét, hai mét rưỡi bên nầy, hai mét rưỡi bên kia. Người ấy đo phía ngoài đền thánh, có chiều dài hai mươi mét và chiều ngang mười mét. 3Người ấy vào bên trong và đo các trụ cửa vào là một mét; chiều cao của cửa là ba mét và chiều rộng của cửa ba mét rưỡi. 4Người ấy đo phía trong cùng của đền thánh, chiều dài mười mét, chiều rộng mười mét. Người ấy nói với tôi: Đây là nơi chí thánh.
5Rồi người ấy đo tường của đền thờ dày ba mét; chiều ngang của những phòng bên hông khắp chung quanh nhà là hai mét. 6Những phòng bên hông có ba tầng, mỗi tầng ba mươi phòng; những phòng ấy giáp với một bức tường chạy chung quanh đền thờ dùng làm cái đà cho các phòng bên hông để chúng không gác lên trên tường đền thờ. 7Những phòng bên hông càng lên cao càng rộng. Công trình kiến trúc chung quanh đền thờ được xây theo kiểu càng lên cao tường càng hẹp, cho nên phòng càng lên cao càng rộng. Người ta đi lên từ tầng dưới đến tầng trên xuyên qua tầng giữa.
8Tôi cũng thấy đền thờ nằm trên một cái nền cao bằng một cây sào, tức là ba mét; nền của các phòng bên hông cũng vậy. 9Bề dày của tường ngoài của các phòng bên hông là hai mét rưỡi; tường ấy dài hơn nền của các nhà bên hông là hai mét rưỡi. 10Khoảng cách giữa các phòng bên hông đền thờ và các phòng khác rộng mười mét, chạy chung quanh đền thờ. 11Những cửa của các phòng bên hông mở ra về phần đất trống, một cửa hướng về phía bắc, một cửa hướng về phía nam; và phần đất trống đó rộng hai mét rưỡi.
12Tòa nhà đối diện với sân đền thờ, về hướng tây, rộng ba mươi lăm mét. Tường bao quanh tòa nhà ấy dày hai mét rưỡi, dài bốn mươi lăm mét.
13Tiếp theo, người ấy đo đền thờ dài năm mươi mét; khoảng sân đền thờ, tòa nhà với tường của nó cũng dài năm mươi mét. 14Chiều ngang của mặt tiền tòa nhà và sân đền thờ về phía đông là năm mươi mét.
15Kế đó, người ấy đo chiều dài của các tòa nhà đối diện với sân phía sau đền thờ, kể cả hành lang hai bên là năm mươi mét.
Đền thờ phía trong và phía ngoài, các tiền sảnh đối diện hành lang, 16các ngưỡng cửa, các cửa sổ chấn song, các hành lang chung quanh ba tầng ấy, phía trước các ngưỡng cửa, tất cả đều bọc bằng ván chung quanh. Từ đất đến các cửa sổ và các cửa sổ đều được che lại. 17Trên cửa, bên trong và bên ngoài đền thờ, khắp tường chung quanh bề trong và bề ngoài, 18đều chạm hình các Chê-ru-bim và hình các cây chà là; một cây chà là ở giữa hai Chê-ru-bim. Mỗi Chê-ru-bim có hai mặt: 19một mặt người hướng về hình cây chà là phía bên nầy, một mặt sư tử tơ hướng về hình cây chà là phía bên kia. Khắp cả đền thờ đều chạm như vậy. 20Từ dưới đất lên đến cửa ra vào, người ta chạm hình Chê-ru-bim và cây chà là trên tường của đền thờ.
21Các khuôn cửa của đền thờ hình vuông và mặt trước của nơi thánh cũng giống như vậy. 22Một bàn thờ bằng gỗ cao một mét rưỡi, dài một mét. Các góc, bệ và những cạnh của bàn thờ đều bằng gỗ. Người ấy bảo tôi rằng: “Đây là cái bàn ở trước mặt Đức Giê-hô-va.” 23Đền thờ và nơi thánh có hai cửa. 24Mỗi cửa có hai cánh khép lại được, cửa nầy hai cánh, cửa kia hai cánh. 25Có những Chê-ru-bim và những cây chà là chạm trên cửa đền thờ cũng như trên tường. Có một mái hiên bằng gỗ trước tiền sảnh, phía bên ngoài. 26Trên tường của tiền sảnh là những cửa sổ chấn song có chạm những hình cây chà là ở hai bên. Các phòng bên cạnh đền thờ và mái che cũng được trang trí như vậy.
Các phòng dành cho các thầy tế lễ
42 Sau đó, người ấy dẫn tôi vào hành lang ngoài về phía bắc và đem tôi vào phòng đối diện với sân đền thờ và đối diện với tòa nhà ở phía bắc. 2Mặt tiền của tòa nhà phía bắc có chiều dài năm mươi mét, chiều ngang hai mươi lăm mét. 3Tiếp giáp với một khu vực mười mét thuộc sân trong và một khu vực đối diện với nền được lát đá thuộc sân ngoài, là hành lang ba tầng. 4Phía trước các phòng có đường đi rộng năm mét và phía trong có một con đường rộng nửa mét; các cửa phòng đều xây về hướng bắc. 5Những phòng trên thì hẹp hơn những phòng dưới và những phòng giữa, vì bị các hành lang choán chỗ. 6Các phòng ở tầng ba không có cột như ở hành lang, nên những phòng trên và những phòng giữa phải thụt vào và hẹp hơn những phòng dưới. 7Bức tường ngoài chạy dọc theo các phòng, về phía hành lang ngoài và đối diện với các phòng, đo được hai mươi lăm mét. 8Chiều dài của các phòng ở hành lang ngoài là hai mươi lăm mét, còn các phòng đối diện đền thờ dài năm mươi mét. 9Dưới các phòng ấy, về phía đông, có một cửa cho những người từ hành lang ngoài đi vào. 10Cũng có những phòng dọc theo chiều ngang của tường hành lang về phía đông, ngay trước sân và đối diện với đền thờ.
11Có một con đường phía trước các phòng ấy cũng như phía trước các phòng về hướng bắc; tất cả các phòng ấy đều có chiều dài và chiều ngang bằng nhau. Tất cả các lối ra, lối vào đều có kích thước giống nhau. 12Các cửa phòng phía nam cũng giống như vậy. Ở đầu đường, có một cái cửa để người ta đi vào, đối diện với bức tường phía đông.
13Bấy giờ, người ấy bảo tôi rằng: “Các phòng phía bắc và các phòng phía nam ngay trước sân đền thờ là những phòng thánh, là nơi các thầy tế lễ đến gần Đức Giê-hô-va sẽ ăn những tế lễ rất thánh. Các thầy ấy sẽ để ở đó những tế lễ rất thánh, tế lễ chay, tế lễ chuộc sự mắc lỗi và tế lễ chuộc tội vì nơi đó là thánh. 14Khi đã vào nơi thánh rồi, các thầy tế lễ không được ra khỏi nơi thánh để ra sân ngoài cho đến khi họ cởi và để lại các y phục đã mặc, vì những y phục ấy là thánh. Họ phải thay y phục khác trước khi đến gần nơi dành cho dân chúng.”
15Sau khi đã đo phía trong nhà rồi, người ấy đem tôi ra qua cổng phía đông và đo chung quanh đền thờ. 16Người ấy dùng cây sào đo phía đông được hai trăm năm mươi mét. 17Người ấy dùng cây sào đo phía bắc được hai trăm năm mươi mét. 18Người ấy dùng cây sào đo phía nam được hai trăm năm mươi mét. 19Người ấy trở qua phía tây để đo, được hai trăm năm mươi mét. 20Như thế, người ấy đo bốn phía tường chung quanh đền thờ, chiều dài hai trăm năm mươi mét, chiều rộng hai trăm năm mươi mét. Tường nầy dùng để phân biệt nơi thánh với nơi phàm.
Bình luận
Sinh bông trái vào tuổi già
Một số người không bao giờ mất đi vẻ đẹp của mình. Vẻ đẹp di chuyển từ khuôn mặt đến trái tim của họ. Có một câu tục ngữ cổ của người Anh, ‘cây vĩ cầm càng cũ, giai điệu càng ngọt ngào.’ Ở tuổi chín mươi tám, Titian đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp của mình về Trận chiến Lepanto. Tuổi già có thể là lúc mang lại nhiều kết quả.
Ê-xê-chi-ên tiếp tục mô tả về ngôi đền mới. Khi mô tả ‘Nơi Chí Thánh’ (41:4), dường như ông tập trung vào ‘các Chê-ru-bim’ và ‘cây chà là’ (c.18). Chúng ta có thể cho rằng chức năng của chúng chỉ đơn thuần là trang trí, nhưng thực ra chúng mang đầy tính biểu tượng.
Vì chúng ta biết từ đoạn Tân Ước rằng những lời này được lấy cảm hứng từ ‘Thánh Linh của Đấng Christ’ (I Phi-e-rơ 1:11), có lẽ không quá khi thấy ý nghĩa trên hai khuôn mặt của mỗi Chê-ru-bin; một người và một sư tử, chỉ về phía một người vừa là con người vừa là 'Sư tử của bộ tộc Giu-đa' (Khải Huyền 5:5) - tức là Chúa Giê-su Christ.
Tác giả Thi Thiên viết, ‘người công chính sẽ mọc lên như cây kè... Dù đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái’ (Thi Thiên 92:12–14).
Những cây kè có lẽ là cây chà là – một trong những cây có nhiều dinh dưỡng lâu đời nhất thế giới. Chà là cung cấp năng lượng, vitamin, khoáng chất, chất béo, chất xơ, protein, đường, riboflavin và niacin. Những cây kè nói lên sức mạnh, sự sinh bông trái và sự kiên định.
Cầu nguyện
Pippa chia sẻ
Ê-xê-chi-ên 41:23 nói: ‘Đền thờ và nơi thánh có hai cửa.’
Chúng ta không cần phải mắc kẹt sau những cánh cửa đôi ở hành lang bên trong hay bên ngoài của ngôi đền, hãy cố gắng đến gần Chúa. Qua Chúa Giê-su, chúng ta có thể đi thẳng vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Câu kinh thánh trong ngày
I Phi-e-rơ 1:2c
Cầu xin ân điển và bình an càng gia tăng trên anh em!
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Sign up nowBook
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
C. S. Lewis, Thư gửi một quý bà Mỹ, (W. B. Eerdmans Pub. Co, 1967) trang 78 © C. S. Lewis Pte. Ltd. 1967. Sử dụng theo sự cho phép.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.