Vẻ đẹp
Giới thiệu
Theo Blaise Pascal: 'Vẻ đẹp thanh thản của một đời sống thánh khiết có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới bên cạnh quyền năng của Đức Chúa Trời'. Sự thánh khiết thật đẹp đẽ và nó không liên quan gì đến vẻ đẹp bên ngoài. Đó là vẻ đẹp tỏa ra từ bên trong. Đây là cách thế giới sẽ được thay đổi. Điều này bắt đầu với bạn và tôi. Thánh Phanxicô Assisi đã nói: ‘Hãy thánh hóa bản thân và bạn sẽ thánh hóa xã hội.’
Sự thánh khiết không phải là một lựa chọn bổ sung. Nó không chỉ dành cho các vị thánh và các Cơ đốc nhân đặc biệt. Đó phải là điều mà tất cả chúng ta đều khao khát trong cuộc sống này. Sự thánh khiết không giống như sự nóng cháy. Sự nóng cháy không phải là bông trái của Chúa Thánh Linh! Khả năng cười nhạo chính mình là chìa khóa dẫn đến sự thánh khiết. Hãy coi trọng Chúa Giê-su nhưng đừng coi trọng bản thân mình quá. Khiếu hài hước là mối liên kết giữa sự thánh khiết và sự khiêm nhường.
Sự thánh khiết không hề nhàm chán. Như C.S. Lewis đã viết: ‘Mọi người ít biết về sự thánh khiết thật và nghĩ rằng nó thật nhàm chán. Khi người ta gặp được sự thánh khiết thật... thì không thể cưỡng lại được.'
Thi Thiên 122:1-9
Cầu xin Chúa ban phước cho Giê-ru-sa-lem
Bài ca đi lên từng bậc
122 Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng:
“Chúng ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va.”
2Hỡi Giê-ru-sa-lem, chân chúng ta đang đứng
Trong các cổng của ngươi.
3Giê-ru-sa-lem là cái thành được xây kiên cố
Vách thành liên kết nhau thật vững vàng.
4Các bộ tộc của Đức Giê-hô-va lên nơi ấy,
Theo mệnh lệnh được ban cho dân Y-sơ-ra-ên
Để cảm tạ danh của Đức Giê-hô-va.
5Vì tại đó có lập các ngai phán xét
Tức là các ngai nhà Đa-vít.
6Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem;
Nguyện người nào yêu mến ngươi sẽ được thịnh vượng.
7Nguyện hòa bình ở trong tường thành ngươi,
Và thịnh vượng trong các cung đền ngươi!
8Vì anh em ta và bạn hữu ta,
Ta nói rằng: “Nguyện hòa bình ở trong ngươi!”
9Vì nhà của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta,
Ta sẽ cầu mong phước lành cho ngươi.
Bình luận
Bạn tìm thấy sự thánh khiết ở đâu?
Đối với người viết Thi Thiên, nguồn vui của ông là cơ hội được thờ phượng Chúa trong đền thờ. Đây là nơi dân chúng đến ‘để cảm tạ danh của Đức Giê-hô-va’ (c.4b). Đây là lý do tại sao Giê-ru-sa-lem có tầm quan trọng rất lớn đối với dân Chúa và tại sao tác giả Thi Thiên lại rất thiết tha về hòa bình và an ninh của thành phố (c.6-9).
Giê-ru-sa-lem là thành phố thánh. Nó được mô tả trong đoạn Cựu Ước ngày nay của chúng ta là ‘núi thánh Ta’ (Ê-xê-chi-ên 20:40). Đền thờ là nhà của Chúa. Đây chính là điều đã làm cho nó trở nên thánh.
Bây giờ, Hội thánh là nhà của Đức Chúa Trời. Đó là nơi thánh mới ‘mà chính Đấng Christ Jêsus là đá góc nhà. Trong Ngài, cả ngôi nhà được kết hợp với nhau và trở thành một đền thờ thánh trong Chúa. Trong Ngài, anh em cũng được xây dựng chung vào nhà đó, để trở nên nơi ngự của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh’ (Ê-phê-sô 2:20–22).
Dân chúng chính là nơi mới. Qua Chúa Giê-su, bạn là ngôi nhà mới của Đức Chúa Trời– bạn là đền thờ của Chúa Thánh Linh.
Cầu nguyện
Hê-bơ-rơ 10:1-18
Đức Chúa Jêsus là nguồn gốc của ơn cứu rỗi
10 Vì luật pháp chỉ là bóng của những điều tốt đẹp đến sau, chứ không phải là hình thật của sự vật; cho nên, những người đến gần Đức Chúa Trời không bao giờ toàn hảo nhờ các sinh tế được dâng liên tục năm nầy qua năm khác. 2Nếu được thì họ đã ngưng dâng sinh tế rồi, vì những người thờ phượng đã được thanh tẩy một lần đủ cả; như thế, họ đâu còn cảm biết tội lỗi nữa? 3Nhưng các sinh tế đó chẳng qua là để nhắc nhở hằng năm về tội lỗi. 4Vì máu của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được.
5Do đó, khi Đấng Christ vào thế gian, Ngài phán:
“Chúa không muốn sinh tế, cũng chẳng muốn lễ vật,
Nhưng Chúa đã chuẩn bị một thân thể cho tôi.
6Chúa chẳng vui lòng về tế lễ toàn thiêu
Và tế lễ chuộc tội.
7Bấy giờ, tôi nói: ‘Lạy Đức Chúa Trời, nầy tôi đến,
Trong sách có chép về tôi.
Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.’ ”
8Trên kia Ngài phán: “Chúa không muốn, cũng không vui về những sinh tế, lễ vật, tế lễ toàn thiêu và tế lễ chuộc tội” (đó là những lễ vật theo luật pháp), rồi sau lại nói: “Nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.” 9Vậy, Chúa đã bỏ điều trước để lập điều sau. 10Theo ý muốn đó, chúng ta được thánh hóa nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.
11Mỗi thầy tế lễ hằng ngày đứng phục vụ và thường xuyên dâng cùng một loại sinh tế, là điều không bao giờ có thể cất tội lỗi đi được. 12Nhưng Đấng Christ đã vì tội lỗi dâng một sinh tế chuộc tội duy nhất và đời đời, rồi ngồi bên phải Đức Chúa Trời; 13và từ đó, Ngài chờ đợi cho đến khi những kẻ thù của Ngài bị đặt làm bệ cho chân Ngài. 14Vì nhờ một sinh tế duy nhất, Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi.
15Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì sau khi nói:
16Chúa phán: “Nầy là giao ước Ta sẽ lập với họ:
Sau những ngày đó,
Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong lòng họ
Và ghi tạc vào trí họ.”
17Ngài lại phán:
“Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi và việc ác của họ nữa.”
18Nơi nào có sự tha thứ thì không cần dâng tế lễ vì tội lỗi nữa.
Bình luận
Khi nào bạn nên thánh?
Giờ đây bạn có thể nên thánh nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su và ân điển của Đức Thánh Linh - Đấng sống trong bạn. Theo một nghĩa nào đó, bạn có thể kinh nghiệm ‘sự thánh khiết ngay tức thì’. Nhưng, theo một nghĩa khác, nên thánh là một quá trình rất lâu dài và sẽ không bao giờ trọn vẹn trong đời này.
Một trong những câu hỏi thường được đặt ra trong một nhóm nhỏ Alpha là ‘Điều gì xảy ra với tất cả những người sống trước Chúa Giê-su? Chẳng phải là không công bằng khi Chúa Giê-su đến vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử và khiến cho sự tha thứ có thể thực hiện được sao?’ Giả định đằng sau các câu hỏi là thập giá chỉ có tác dụng từ thời điểm xảy ra chứ không tác dụng đối với những người sống trước Chúa Giê-su.
Tuy nhiên, tác giả sách Hê-bơ-rơ nói: ‘Nhưng Đấng Christ đã vì tội lỗi dâng một sinh tế chuộc tội duy nhất và đời đời, rồi ngồi bên phải Đức Chúa Trời’ (c.12). Sự hy sinh của Chúa Giê-su có hiệu lực cho mọi thời đại. Thập giá có hiệu lực đối với những người sống trước Chúa Giê-su và những người sống sau Ngài.
‘Vì luật pháp chỉ là bóng của những điều tốt đẹp đến sau’ (c.1a). Nói cách khác, nó chỉ báo trước một điều gì đó tốt đẹp hơn sắp xảy ra.
Luật pháp không hoàn hảo (c.1b). Bằng chứng cho thấy luật pháp không thể hoàn thiện con người là của lễ phải tiếp tục được dâng lên (c.2). Mọi người tiếp tục cảm thấy tội lỗi vì tội lỗi của mình (c.2c) ‘vì máu của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được' (c.4). Chỉ có huyết của Đấng Christ mới có thể cất đi tội lỗi của bạn. Chỉ một mình Ngài là sự hy sinh toàn hảo, vì chỉ một mình Ngài đã sống một cuộc đời trọn vẹn.
Sự hy sinh tự nguyện của Chúa đã chấm dứt trật tự cũ và thiết lập trật tự mới (c.5–9). Kết quả của sự hy sinh của Ngài là bạn ‘được thánh hóa nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả’ (c.10).
Điều này hoàn toàn trái ngược với luật pháp: ‘Nhưng Đấng Christ đã vì tội lỗi dâng một sinh tế chuộc tội duy nhất và đời đời ... Vì nhờ một sinh tế duy nhất, Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi’ (c.12–14).
Cụm từ 'Đấng Christ... ngồi' đầy ý nghĩa. Các thầy tế lễ theo dòng A-rôn không bao giờ ngồi yên trong nơi thánh (c.11). Sự hy sinh của họ không bao giờ trọn vẹn. Mặt khác, Chúa Giê-su ‘ngồi bên phải Đức Chúa Trời’ (c.12). Điều đó cho thấy rằng công việc của Ngài đã được hoàn thành: ‘Vì nhờ một sinh tế duy nhất, Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi’ (c.14).
Ở đây bạn có thể thấy sự thánh khiết diễn ra như thế nào trong đời sống của bạn:
1. Sự thánh khiết ngay tức thì
Trong quá khứ, hình phạt cho tội lỗi đã được trả: ‘Chúng ta được thánh hóa… Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi’ (c.10,14). Đây là sự bào chữa của Chúa dành cho bạn. Sự hy sinh của Chúa Giê-su đã mang lại sự tha thứ hoàn toàn và một mối quan hệ toàn hảo với Đức Chúa Trời. Bạn hoàn toàn được tha thứ. Vì vậy, hãy tha thứ cho người khác và khó nhất là tha thứ cho chính mình. bạn không cần phải dâng thêm bất kỳ của lễ nào để chuộc tội nữa (c.18).
2. Quá trình nên thánh
Hiện tại, quyền lực của tội lỗi đang bị phá vỡ. Nên thánh là một quá trình ‘được thánh hóa’ (c.14). Ít nhất trong trường hợp của tôi, nó có vẻ là một quá trình rất chậm và đầy thử thách. Chúa Giê-su đang giải thoát tôi khỏi quyền lực của tội lỗi. Sự nên thánh là công việc của Đức Thánh Linh, Đấng làm chứng cho chúng ta như vậy’ (c.15). Nhờ Đức Thánh Linh sống trong bạn, luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ ở trong lòng và trong tâm trí bạn (c.16).
3. Sự thánh khiết toàn hảo
Trong tương lai, ngay cả sự hiện diện của tội lỗi cũng sẽ bị loại bỏ. Một ngày nào đó người ta sẽ thấy cái ác đã bị đánh bại hoàn toàn. Chúa Giê-su 'chờ đợi cho đến khi những kẻ thù của Ngài bị đặt làm bệ cho chân Ngài' (c.13a) và quá trình 'được thánh hóa' sẽ hoàn tất (xem thêm I Giăng 3:2).
Cầu nguyện
Ê-xê-chi-ên 19:1-20:44
Bài ai ca của Ê-xê-chi-ên về các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên
19 Vậy con hãy đọc bài ai ca về các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên 2và nói:
“Mẹ ngươi xưa kia như thế nào?
Là sư tử cái ở giữa những sư tử đực;
Nằm giữa những sư tử con,
Và nuôi bầy con mình.
3Nó nuôi một sư tử con trong bầy
Trở thành một sư tử tơ,
Tập bắt mồi
Và ăn thịt người ta.
4Các dân nghe tiếng về nó;
Nó bị bắt trong hầm.
Chúng dùng móc dẫn đi
Điệu nó qua Ai Cập.
5Khi sư tử cái đợi chờ đã lâu
Và niềm hi vọng đã mất,
Nó bắt một con khác trong bầy
Và nuôi dưỡng thành một sư tử tơ.
6Nó đi lại giữa những sư tử,
Trở thành một sư tử tơ,
Tập bắt mồi
Và ăn thịt người ta.
7Nó phá hủy cung đền của chúng
Và tàn phá các thành;
Đất và mọi vật trong đó đều bị hoang vu,
Vì tiếng gầm thét của nó.
8Các nước ở mọi miền chung quanh
Nổi lên chống lại nó,
Bủa lưới trên nó;
Nó bị bắt trong hầm.
9Chúng dùng móc kéo nó nhốt vào cũi
Rồi điệu nó đến vua Ba-by-lôn;
Chúng bỏ nó vào ngục
Để cho tiếng nó không vang ra nữa,
Trên núi Y-sơ-ra-ên.
10Mẹ ngươi như một cây nho trong vườn
Được trồng bên mé nước.
Lắm cành nhiều quả,
Nhờ có nhiều nước.
11Những cành nó khỏe chắc,
Trở nên cây gậy của nhà cai trị.
Thân nó vươn cao
Giữa tàng cây rậm rạp.
Ai cũng nhìn thấy nó,
Vì thân cao, cành lá um tùm.
12Nhưng nó đã bị nhổ bởi cơn giận
Và bị quăng xuống đất.
Gió đông đã làm nó khô héo,
Trái nó rụng sạch.
Những cành to lớn của nó bị héo tàn;
Lửa đã thiêu đốt nó đi!
13Bây giờ nó bị trồng nơi hoang mạc,
Trong đất khô và thiếu nước.
14Lửa phát ra từ thân nó,
Thiêu đốt cành và trái nó
Đến nỗi không còn cành khỏe chắc nữa,
Để làm gậy cho nhà cai trị.
Đó là bài ai ca dùng để khóc than.”
Lời quở trách Y-sơ-ra-ên và lời hứa về ngày sau
20 Vào năm thứ bảy, ngày mùng mười tháng năm, có một vài trưởng lão Y-sơ-ra-ên đến cầu hỏi Đức Giê-hô-va, và họ ngồi trước mặt tôi. 2Bấy giờ, có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi: 3“Hỡi con người, hãy nói với các trưởng lão Y-sơ-ra-ên và bảo họ rằng: ‘Chúa Giê-hô-va phán: Có phải các ngươi đến cầu hỏi Ta chăng?’ Chúa Giê-hô-va phán: ‘Thật như Ta hằng sống, Ta không để cho các ngươi cầu hỏi Ta đâu.’ 4Hỡi con người, con muốn phán xét họ, con muốn phán xét họ chăng? Hãy nói cho họ biết những điều kinh tởm của tổ phụ họ. 5Con hãy nói với họ rằng: Chúa Giê-hô-va phán: ‘Trong ngày Ta chọn Y-sơ-ra-ên, Ta giơ tay thề cùng dòng dõi nhà Gia-cốp và bày tỏ chính mình Ta cho họ biết trong đất Ai Cập. Ta giơ tay phán với họ rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.’ 6Trong ngày ấy, Ta thề hứa cùng họ rằng Ta sẽ đem họ ra khỏi đất Ai Cập để vào đất mà Ta đã tìm sẵn cho họ, tức là đất đượm sữa và mật, đất tốt nhất trong mọi đất. 7Ta phán với họ: ‘Các ngươi mỗi người phải ném xa mình những điều kinh tởm của mắt các ngươi và chớ làm ô uế mình bằng các thần tượng của Ai Cập! Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.’ 8Nhưng họ nổi loạn chống lại Ta và không muốn nghe Ta; mỗi người không ném bỏ những điều kinh tởm của mắt mình và không từ bỏ các thần tượng của Ai Cập.
Bấy giờ, Ta phán rằng Ta sẽ đổ cơn giận Ta trên họ, trút hết cơn thịnh nộ Ta chống lại họ giữa đất Ai Cập. 9Nhưng Ta hành động vì cớ danh Ta để cho danh ấy không bị xúc phạm trước mắt các dân ngoại, nơi mà họ đang sinh sống. Trước mắt các dân ấy, Ta đã bày tỏ chính mình Ta cho họ biết khi đem họ ra khỏi đất Ai Cập.
10Vậy, Ta đã dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập và đem họ vào trong hoang mạc. 11Ta ban cho họ luật lệ Ta và làm cho họ biết phán lệnh Ta để người nào làm theo đó thì được sống. 12Ta cũng cho họ những ngày sa-bát của Ta như một dấu hiệu giữa Ta và họ, để họ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va đã biệt riêng họ ra thánh. 13Nhưng nhà Y-sơ-ra-ên nổi loạn chống lại Ta trong hoang mạc. Họ không noi theo luật lệ Ta, loại bỏ phán lệnh Ta là điều mà người nào làm theo sẽ nhờ đó được sống; họ vi phạm nghiêm trọng các ngày sa-bát Ta.
Bấy giờ, Ta phán Ta sẽ đổ cơn giận Ta trên họ và tiêu diệt họ trong hoang mạc. 14Nhưng Ta đã hành động vì cớ danh Ta để danh ấy không bị xúc phạm trước mắt các dân ngoại, là các dân đã chứng kiến Ta đem họ ra khỏi chúng. 15Ta cũng đã giơ tay thề với họ trong hoang mạc rằng Ta sẽ không đem họ vào đất mà Ta đã ban cho họ, là đất đượm sữa và mật, đất tốt nhất trong mọi đất. 16Vì họ đã loại bỏ phán lệnh Ta, không noi theo luật lệ Ta và xúc phạm những ngày sa-bát của Ta, bởi lòng họ đã hướng về thần tượng mình. 17Tuy nhiên, mắt Ta đã đoái thương họ, không hủy diệt họ hoặc tận diệt họ trong hoang mạc.
18Ta phán với con cái họ trong hoang mạc rằng: ‘Đừng noi theo luật lệ của ông cha các ngươi, đừng giữ những quy định của họ hay tự làm ô uế bởi những thần tượng của họ. 19Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; hãy noi theo luật lệ Ta, vâng giữ phán lệnh Ta và làm theo. 20Hãy biệt riêng những ngày sa-bát của Ta ra thánh; nó sẽ làm dấu hiệu giữa Ta và các ngươi để cho họ biết rằng Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.’ 21Nhưng con cái họ đã nổi loạn chống lại Ta, không noi theo luật lệ Ta, không vâng giữ để làm theo phán lệnh Ta, là điều mà người nào làm theo thì được sống, và họ vi phạm những ngày sa-bát của Ta nữa.
Bấy giờ, Ta nói Ta sẽ đổ cơn giận Ta trên họ, trút hết cơn thịnh nộ của Ta chống lại họ trong hoang mạc. 22Tuy nhiên, Ta đã rút tay Ta lại và đã hành động vì danh Ta để danh ấy không bị xúc phạm trước mắt các dân ngoại, là dân chứng kiến Ta đã đem họ ra khỏi chúng. 23Ta cũng đã giơ tay thề với họ trong hoang mạc rằng Ta sẽ làm cho họ tan lạc giữa các dân và rải ra trong nhiều nước, 24vì họ không vâng giữ phán lệnh Ta nhưng đã loại bỏ luật lệ ta, vi phạm những ngày sa-bát Ta và mắt họ đã hướng về các thần tượng của tổ phụ mình. 25Ta cũng đã ban cho họ những luật lệ không tốt và những phán lệnh không thể nhờ đó mà được sống. 26Ta đã làm cho họ bị ô uế bởi của cúng khi họ đem dâng mọi con đầu lòng qua lửa, để vì đó, Ta làm cho họ ra hoang vu hầu cho họ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va.
27Vì thế, hỡi con người, hãy nói với nhà Y-sơ-ra-ên và bảo chúng: ‘Chúa Giê-hô-va phán: Tổ phụ các ngươi đã xúc phạm Ta vì họ đã không trung thành với Ta. 28Khi Ta đem họ vào đất mà Ta đã thề ban cho họ, bấy giờ họ đã tìm thấy các đồi cao, các cây rậm và dâng sinh tế mình tại đó. Họ đã bày ra tại đó của cúng để chọc giận Ta; họ đã đốt hương có mùi thơm và cũng làm lễ quán tại đó. 29Bấy giờ Ta hỏi họ: “Nơi cao mà các ngươi đến đó là gì?” Cho nên nơi cao ấy còn gọi là Ba-ma.’ cho đến ngày nay.
30Vì thế, hãy nói với nhà Y-sơ-ra-ên: ‘Chúa Giê-hô-va phán: Các ngươi tự làm ô uế theo cách tổ phụ các ngươi và các ngươi hành dâm theo những điều kinh tởm của họ sao? 31Khi dâng lễ vật và dâng con mình qua lửa, các ngươi đã tự làm ô uế với những thần tượng mình cho đến ngày nay. Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, lẽ nào Ta cứ để cho các ngươi cầu hỏi sao? Chúa Giê-hô-va phán: Thật như Ta hằng sống, Ta không để cho các ngươi cầu hỏi Ta đâu!
32Các ngươi nói rằng: “Chúng tôi muốn giống các dân tộc, các quốc gia trên đất, thờ thần gỗ và đá.” Nhưng điều các ngươi nghĩ trong trí đó sẽ không bao giờ xảy ra đâu.’
33Chúa Giê-hô-va phán: ‘Thật như Ta hằng sống, Ta sẽ dùng tay mạnh mẽ và cánh tay giơ ra, lấy thịnh nộ đổ ra mà cai trị các ngươi! 34Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc; Ta sẽ dùng tay mạnh mẽ, cánh tay giơ ra và cơn thịnh nộ đổ xuống để nhóm các ngươi lại từ các nước mà các ngươi đã bị tan lạc trong đó. 35Ta sẽ đem các ngươi vào nơi hoang mạc của các dân và tại đó Ta sẽ đối mặt phán xét các ngươi. 36Như Ta đã phán xét tổ phụ các ngươi trong hoang mạc xứ Ai Cập thể nào thì Ta cũng phán xét các ngươi thể ấy,’ Chúa Giê-hô-va phán vậy. 37Ta sẽ làm cho các ngươi đi qua dưới gậy và sẽ đem các ngươi vào trong dây giao ước. 38Ta sẽ tẩy sạch khỏi các ngươi những kẻ phản nghịch và bọn nổi loạn chống lại Ta. Ta sẽ đem họ ra khỏi đất họ trú ngụ nhưng họ sẽ không được vào đất Y-sơ-ra-ên. Như vậy, các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.
39Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, về các ngươi thì Chúa Giê-hô-va phán: ‘Hãy đi, mỗi người trong các ngươi hãy thờ thần tượng mình! Nhưng sau đó, các ngươi chắc sẽ lắng nghe Ta và sẽ không nói phạm danh Thánh của Ta nữa, bởi của cúng và bởi thần tượng các ngươi.’
40Chúa Giê-hô-va phán: ‘Vì trên núi thánh Ta, trên núi cao của Y-sơ-ra-ên, tại đó toàn thể nhà Y-sơ-ra-ên sẽ phục vụ Ta ở trong đất ấy. Tại đó, Ta sẽ chấp nhận họ và tại đó Ta sẽ đòi tế lễ của các ngươi và những lễ vật bằng trái đầu mùa của các ngươi cùng mọi lễ vật thánh. 41Ta sẽ chấp nhận các ngươi như mùi hương thơm khi Ta đem các ngươi ra khỏi các dân tộc và tập hợp các ngươi từ những nước mà các ngươi đã bị tan lạc, và sự thánh khiết Ta sẽ được bày tỏ giữa các ngươi trước mắt các dân ngoại. 42Các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va khi Ta đem các ngươi vào đất của Y-sơ-ra-ên là đất mà Ta đã giơ tay thề ban cho tổ phụ các ngươi. 43Tại đó, các ngươi sẽ nhớ lại đường lối mình và mọi hành động làm cho mình bị ô uế. Các ngươi sẽ kinh tởm chính mình về mọi việc gian ác mà mình đã phạm. 44Các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va khi Ta sẽ vì danh Ta mà đối đãi với các ngươi không theo đường lối xấu xa và việc làm đồi bại của các ngươi. Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-hô-va phán vậy.’”
Bình luận
Làm thế nào để bạn trở nên thánh?
Chìa khóa dẫn đến sự thánh khiết được tìm thấy trong mối quan hệ của bạn với Chúa. Chúa phán: ‘I am The Holy' (Ta là Đấng Thánh)’ (20:40, MSG). Thông qua mối quan hệ của bạn với Chúa, Ngài muốn bạn trở nên giống Ngài. Chúa Giê-hô-va phán: ‘Ta là Đức Giê-hô-va đã biệt riêng họ ra thánh’ (c.12).
Đây là lý do cho 'ngày nghỉ thánh', ngày Sa-bát (c.20). Ngày này là để cho mọi người có thời gian phát triển mối quan hệ của họ với Chúa. Dành cho Chúa ngày đầu tuần tượng trưng cho việc đặt Chúa lên trên hết mọi sự.
Ước muốn của Đức Chúa Trời luôn dành cho một dân thánh. Trong phân đoạn Kinh Thánh này, một lần nữa chúng ta thấy sự thất vọng trước sự thiếu thánh khiết của dân Ngài. Dân Chúa được tạo ra để phản ánh đặc tính thánh khiết của Chúa.
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay bắt đầu bằng lời than thở về các vị vua cuối cùng của Giu-đa (19:1). 'Sư tử cái' ám chỉ Giu-đa và các vị vua cuối cùng được mô tả là những con sư tử con của nó.
Hình ảnh đó được thay đổi thành hình ảnh một vườn nho bị bật gốc (19:10–14), nhưng thông điệp của lời than thở vẫn không thay đổi. Bất kỳ đế chế nào chúng ta xây dựng cho riêng mình có vẻ mạnh mẽ nhưng nó sẽ bị phá hủy dễ dàng và nhanh chóng.
Phần còn lại của phân đoạn Kinh Thánh tiếp tục giải thích lý do tại sao Y-sơ-ra-ên bị nhổ bật rễ và bị phán xét, và lẽ ra họ phải hành động như thế nào. Đức Chúa Trời mô tả việc con người đã 'làm ô uế' và 'làm nhơ bẩn' sự thánh khiết của Ngài như thế nào, nhưng Ngài mong chờ một thời điểm mà điều đó sẽ không còn xảy ra nữa.
Yếu tố then chốt làm nên thánh khiết hay không dường như nằm ở mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Lời phàn nàn của ông chống lại họ tập trung vào việc họ đi theo các thần khác và cách họ làm ô uế bản thân bởi những hình ảnh mà họ nhìn vào (20:16; xem thêm câu 7,24,28,30). Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì lẽ ra phải là mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, trong đó ‘Ta là Đức Giê-hô-va đã biệt riêng họ ra thánh’ (c.12).
Xuyên suốt chặng đường, chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời khao khát một dân thánh phản ánh bản tính của Ngài. Ngài đã có kế hoạch để biến sự thánh khiết này thành hiện thực. Giây phút đó chỉ đến với sự hy sinh của Chúa Giê-su và sự tuôn đổ của Chúa Thánh Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Bạn đã được thánh hóa. Chúa Thánh Linh sống trong bạn. Hãy đặt Chúa lên hàng đầu trong cuộc đời bạn và tránh bất cứ điều gì làm hỏng mối quan hệ của bạn với Ngài. Vẻ đẹp thanh thản của đời sống thánh khiết của bạn sẽ có sức ảnh hưởng và có sức hấp dẫn mạnh mẽ.
Cầu nguyện
Pippa chia sẻ
Trong Hê-bơ-rơ 10:14 có nói:
‘Vì nhờ một sinh tế duy nhất, Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi'
Và tôi là một trong số họ!
Câu kinh thánh trong ngày
Thi Thiên 122:6
'Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem'
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Sign up nowBook
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
C. S. Lewis, Thư gửi một quý bà Mỹ (Nhà xuất bản William B Eerdmans, 1971).
Tony Castle, Sách trích dẫn Kitô giáo của Hodder (Hodder & Stoughton, 1982), tr.146.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Amplified® Bible, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 bởi The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.