Ngày 148

Phản ứng với xung đột

Khôn ngoan Châm ngôn 13:10-19
Tân ước Giăng 18:1-24
Cựu Ước 1 Sa-mu-ên 21:1-23:29

Giới thiệu

Linh dương nam phi, thông thường chúng rất cảnh giác với những kẻ săn mồi. Tuy nhiên, tôi nhớ đã xem một chương trình về động vật hoang dã của đài BBC quay cảnh hai linh dương nam phi đánh nhau đánh nhau ở sa mạc Kalahari. Mải mê chiến đấu, chúng không để ý con sư tử đang lảng vảng xung quanh, chờ cơ hội tấn công.

Khi tôi quan sát, tôi chợt nhận ra đó là một lời cảnh báo đặc biệt dành cho hội thánh. Trong hội thánh, khi chúng ta chiến đấu với nhau, chúng ta trở nên rất dễ bị tấn công. ‘Ma quỷ rình mò như sư tử rống’ (1 Phi-e-rơ 5:8).

Khi Chúa gọi bạn đi theo Ngài, Ngài không kêu gọi bạn sống một cuộc đời dễ dàng. Cuộc sống trên thế gian bao hàm nhiều trận chiến, trong tất cả những trận chiến đó, Đức Chúa Trời hứa cho bạn chiến thắng nhờ Chúa Giê-su Christ. Sẽ không bao giờ có một khoảnh khắc nào trong cuộc sống trần gian của bạn khi mọi thứ đều hoàn hảo. Sẽ luôn có những thách thức, khó khăn và vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, có những lúc những điều đó đến dồn dập và dường như chúng ta đang bị tấn công.

Martin Luther King đã nói rằng thước đo cuối cùng của một người không phải là vị trí của họ trong 'những khoảnh khắc thuận lợi', mà là vị trí của họ trong 'những khoảnh khắc thử thách, những khoảnh khắc khủng hoảng và tranh cãi lớn'.

Khôn ngoan

Châm ngôn 13:10-19

10 Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều tranh cãi,
   Còn sự khôn ngoan ở với người chịu nghe lời khuyên dạy.

11 Của phi nghĩa sẽ sớm hao mòn,
   Nhưng ai khéo tay thu góp thì của cải sẽ gia tăng. \t 12 Hi vọng bị hoãn lại khiến lòng đau đớn,
   Nhưng ước mơ được thành là cây sự sống.

13 Kẻ xem thường lời dạy hẳn phải trả giá,
   Còn người kính trọng giới răn chắc chắn được ban thưởng.

14 Lời dạy của người khôn ngoan là nguồn sự sống,
   Giúp người nghe thoát bẫy tử vong.

15 Sự thông sáng thật được hưởng ân huệ,
   Nhưng đường của kẻ xảo trá đầy gian nan.

16 Tất cả người khôn khéo đều hành động theo tri thức,
   Nhưng kẻ ngu muội lộ ra điều điên dại.

17 Sứ giả gian ác rơi vào tai họa,
   Còn khâm sai trung tín đem lại sự chữa lành.

18 Ai bỏ qua lời khuyên dạy sẽ bị nghèo khổ và sỉ nhục,
   Nhưng ai đón nhận lời quở trách sẽ được tôn trọng.

19 Ước mơ được thành làm cho tâm hồn êm dịu,
   Lìa bỏ gian tà là điều kẻ ngu dại gớm ghê.

Bình luận

Tránh cãi vã không cần thiết

Tác giả Châm ngôn đối chiếu giữa người khôn ngoan ('Còn sự khôn ngoan ở với người chịu nghe lời khuyên dạy', câu 10b) và kẻ dại ('Lìa bỏ gian tà là điều kẻ ngu dại gớm ghê', câu 19b). Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta trải qua xung đột. Đặc biệt, trong đoạn này, chúng ta thấy hai ví dụ:

1. Cãi cọ
‘Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều tranh cãi’ (c.10a). Một trong những trải nghiệm mệt mỏi nhất của cuộc sống là cãi vã – dù là trong hôn nhân, giữa bạn bè, đồng nghiệp hay trong nhà thờ. Ở đây chúng ta thấy rằng một trong những nguyên nhân của những cuộc cãi vã có thể là sự kiêu ngạo. Nếu bạn sẵn sàng thừa nhận lỗi lầm và sai lầm của mình với sự khiêm tốn, bạn có thể tránh được rất nhiều cuộc cãi vã.

Một bí quyết khác là cẩn thận lắng nghe nhau: ‘Còn sự khôn ngoan ở với người chịu nghe lời khuyên dạy’ (c.10, MSG).

2. Thất vọng
‘Hi vọng bị hoãn lại khiến lòng đau đớn’ (c.12a). Hay như The Message đã nói, 'sự thất vọng không ngừng khiến bạn đau lòng'.

Đây là một kiểu tấn công khác gây bệnh. Khi một khải tượng của chúng ta về một điều gì đó bị chững lại hoặc kế hoạch của chúng ta bị trì hoãn chỉ vì sự tấn công hoặc thất bại, thì sự thất vọng đó làm cho trái tim đau đớn. Chúng ta thực tế là phải vật lộn với các kế hoạch và hoàn cảnh của chính mình.

Mặt khác, không có gì thỏa mãn hơn là tiếp tục kiên trì và nhìn thấy một phần khải tượng của bạn được hoàn thành. ‘Nhưng ước mơ được thành là cây sự sống’ (c.12a). ‘Ước mơ được thành làm cho tâm hồn êm dịu’ (c.19a).

Giữa tất cả những xung đột của cuộc sống, có những khoảnh khắc vô cùng vui vẻ, thỏa mãn và hài lòng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, giữa những thử thách, xin giúp con kiên trì chạy cuộc đua với đôi mắt hướng về Chúa Giê-su (Hê-bơ-rơ 12:1–3).
Tân ước

Giăng 18:1-24

Sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jêsus

(18:1 – 21:25)

Đức Chúa Jêsus bị bắt

(Ma-thi-ơ 26:47-56; Mác 14:43-50; Lu-ca 22:47-53)

1 Sau khi cầu nguyện, Đức Chúa Jêsus đi với các môn đồ sang bên kia suối Kết-rôn; tại đó có một khu vườn, Ngài cùng các môn đồ đi vào đó.

2 Giu-đa, kẻ phản Ngài, cũng biết chỗ nầy vì Đức Chúa Jêsus và các môn đồ thường nhóm họp tại đây. 3 Vậy, Giu-đa dẫn một toán lính cùng với thuộc hạ của các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si đến đó, cầm đèn, đuốc và vũ khí.

4 Đức Chúa Jêsus biết tất cả những gì sẽ xảy đến cho mình, nên bước tới và hỏi: “Các ngươi tìm ai?”

5 Họ đáp: “Jêsus, người Na-xa-rét.”

Đức Chúa Jêsus nói: “Chính Ta đây!” Giu-đa, kẻ phản Ngài, cũng đứng đó với họ. 6 Khi Đức Chúa Jêsus nói: “Chính Ta đây” thì họ đều lùi lại và ngã xuống đất.

7 Ngài lại hỏi: “Các ngươi tìm ai?”

Họ đáp: “Jêsus, người Na-xa-rét.”

8 Đức Chúa Jêsus nói: “Ta đã bảo các ngươi, chính Ta đây. Vậy, nếu các ngươi tìm bắt Ta thì hãy để cho những người nầy đi.” 9 Điều nầy ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Con không để mất một ai trong những người Cha đã ban cho Con.”

10 Si-môn Phi-e-rơ có một thanh gươm, liền rút ra, đánh đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm, chém đứt tai phải của người nầy. Đầy tớ đó tên là Man-chu.

11 Đức Chúa Jêsus bảo Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm của con vào vỏ! Chén mà Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?”

Đức Chúa Jêsus trước mặt An-ne. – Phi-e-rơ chối Chúa

(Ma-thi-ơ 26:59-75; Mác 14:55-72; Lu-ca 22:55-71)

12 Lúc ấy, binh lính với viên chỉ huy và các thuộc hạ của người Do Thái bắt Đức Chúa Jêsus và trói lại. 13 Trước hết, họ giải Ngài đến An-ne, vì ông là nhạc gia của Cai-phe, người đang làm thầy tế lễ thượng phẩm trong năm đó. 14 Chính Cai-phe là người đã bàn với người Do Thái rằng: “Thà để một người chết vì toàn dân thì vẫn hơn.”

15 Si-môn Phi-e-rơ và một môn đồ khác đi theo Đức Chúa Jêsus. Môn đồ nầy quen biết thầy tế lễ thượng phẩm, nên vào với Đức Chúa Jêsus trong sân của thầy tế lễ thượng phẩm. 16 Còn Phi-e-rơ thì đứng bên ngoài, gần cửa. Vì vậy, môn đồ kia, người quen biết thầy tế lễ thượng phẩm, đi ra nói với người phụ nữ canh cửa, rồi đem Phi-e-rơ vào. 17 Người phụ nữ canh cửa nói với Phi-e-rơ: “Chẳng phải ông cũng là một trong các môn đồ của người ấy sao?” Phi-e-rơ đáp: “Không phải tôi.” 18 Vì trời lạnh nên các đầy tớ và các thuộc hạ nhóm một đống lửa than, rồi đứng sưởi ấm. Phi-e-rơ cũng đứng sưởi với họ.

19 Thầy tế lễ thượng phẩm hỏi Đức Chúa Jêsus về các môn đồ và sự dạy dỗ của Ngài.

20 Đức Chúa Jêsus đáp: “Ta đã nói rõ cho thiên hạ. Ta thường xuyên dạy trong các nhà hội và đền thờ, nơi tất cả người Do Thái tụ họp, chứ Ta chẳng nói điều gì lén lút cả. 21 Sao ngươi lại chất vấn Ta? Cứ hỏi những người đã nghe Ta, xem Ta đã nói gì với họ. Những người đó biết những điều Ta đã nói.”

22 Khi Ngài vừa nói xong, một kẻ trong nhóm thuộc hạ đang đứng đó lấy tay tát vào mặt Ngài và nói: “Ngươi dám trả lời thầy tế lễ thượng phẩm như thế sao?”

23 Đức Chúa Jêsus đáp: “Nếu Ta nói sai, hãy chỉ ra chỗ sai đi; còn nếu Ta nói đúng, tại sao ngươi lại đánh Ta?” 24 An-ne sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn đang bị trói đến thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe.

Bình luận

Tin tưởng rằng Chúa sẽ mang điều thiện ra khỏi điều ác

Đôi khi, khi xung đột xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Các sự tấn công vào Chúa Giê-su không xảy ra do tội lỗi hay sự thất bại của chính Ngài. Thay vào đó, chúng là kết quả của việc làm sai trái của người khác. Vậy mà Chúa đã dùng nó vào mục đích tốt đẹp (c.14).

Đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất, giờ đây Chúa Giê-su bước vào thế giới xung đột. Một mình và dễ bị tổn thương, tràn đầy tình yêu và sự nhân từ, Chúa Giê-su bị bắt và bị kết án tử hình. Ngài hy sinh mạng sống mình để ban sự sống.

1. Sự phản bội
Đây là một thời điểm khủng khiếp trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Người bạn và cũng là môn đệ của Ngài, Giuđa, người mà ông đã ở cùng trong ba năm, dẫn đầu một toán lính và một số quan chức từ các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si để bắt Chúa Giê-su (c.1-3).

Không có gì đau đớn hơn khi một cuộc tấn công đến từ một người bạn hoặc đồng nghiệp. Phản ứng cách bình tĩnh và lịch sự của Chúa Giê-su thật đáng để học hỏi. Ngài giữ bình tĩnh, từ chối bạo lực và thực hiện khả năng tự kiềm chế cách phi thường (c.4–12).

Để bảo vệ các môn đệ, Chúa Giê-su đối đầu với nhóm người có vũ trang hùng hậu do Giuđa đem đến. Ngài ngăn cản nỗ lực của Phi-e-rơ dùng đến bạo lực để bênh vực Chúa Giê-su. Ngài không muốn tham gia vào cuộc xung đột bằng cách của thế gian.

2. Ngược đãi
Chính những nhà cầm quyền lẽ ra phải bảo vệ những người vô tội đã tham gia vào cuộc tấn công Chúa Giê-su. Họ bắt Chúa Giê-su. ‘Họ trói Người lại’ (c.12). Trước tiên họ đưa Ngài đến An-ne và sau đó đến Cai-phe. Đứng trước thầy tế lễ thượng phẩm, vẫn còn bị trói, Chúa Giê-su bị tát vào mặt (c.12–14,19–24).

Nếu Chúa Giê-su bị đối xử như vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu thỉnh thoảng chúng ta bị tấn công bởi những người có thẩm quyền – dù là tôn giáo hay thế tục.

3. Từ chối
Sự chối Chúa của Phi-e-rơ không xuất phát từ lòng dạ độc ác mà chỉ xuất phát từ sự yếu đuối của con người. Khi được hỏi liệu anh ta có phải là một trong những môn đệ của Chúa Giê-su không, anh ta trả lời: “Không phải tôi” (c.17).

Tôi hoàn toàn hiểu làm thế nào mà Phi-e-rơ có thể rơi vào tình thế chối Chúa Giê-su bất chấp mọi ý tốt trước đó của ông. Đôi khi tôi đã nói hoặc làm những điều mà khi nhìn lại, tôi thấy mình hoàn toàn hèn nhát.

Thực tế là Chúa Giê-su đang kiểm soát hoàn toàn tình hình. Chúa biết “mọi điều sắp xảy đến cho mình” (c.4). Ngài đã hành động để hoàn thành lời cầu nguyện của mình trong chương trước (c.9, xem 17:12). Chúa Giê-su chịu chết để “uống chén Cha đã trao”, trả giá cho tội lỗi và điều sai trái của chúng ta (18:11).

Người đã đền tội thay cho chúng ta: ‘Thà để một người chết vì toàn dân’ (c.14). Sự chết của Chúa Giê-su là vì Phi-e-rơ và mỗi người chúng ta. Ngài phải đối mặt với cuộc tấn công của cái chết và sự phán xét để bạn không phải làm vậy. Chúa Giê-su để mình bị trói (c.12,24) để bạn có thể không bị trói nữa và được tự do.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin ban cho con lòng dũng cảm và sự khôn ngoan để biết cách đáp trả một cách đàng hoàng và thanh lịch khi con bị tấn công. Xin giúp con tin cậy rằng mọi việc hiệp lại làm ích cho những người yêu mến Chúa và được kêu gọi theo ý muốn của Chúa (Rô-ma 8:28).
Cựu Ước

1 Sa-mu-ên 21:1-23:29

Đa-vít ở tại Nóp và Gát

1 Đa-vít đến thành Nóp, gặp thầy tế lễ A-hi-mê-léc. Thầy tế lễ ra đón Đa-vít, run sợ và hỏi: “Sao ông đi một mình mà không có ai đi cùng vậy?"

2 Đa-vít trả lời với thầy tế lễ A-hi-mê-léc: “Vua có sai tôi một việc và dặn rằng: ‘Đừng cho ai biết gì cả về việc ta sai ngươi làm, cũng đừng cho ai biết lệnh ta truyền cho ngươi.’ Tôi đã hẹn gặp các thuộc hạ ở chỗ kia rồi. 3 Bây giờ, ông có gì ăn không? Xin cho tôi năm ổ bánh hay là thức gì ông có thể tìm được.”

4 Thầy tế lễ nói với Đa-vít: “Tôi không có sẵn bánh thường, chỉ có bánh thánh mà thôi; miễn là các thuộc hạ của ông giữ mình không đến gần đàn bà.”

5 Đa-vít trả lời với thầy tế lễ: “Đã vài ba ngày rồi, từ khi tôi ra đi, chúng tôi không gần một người nữ nào hết. Ngay trong chuyến đi thông thường, các thuộc hạ tôi cũng giữ thân thể thanh sạch, huống chi hôm nay họ lại không giữ mình thanh sạch hơn sao?” 6 Rồi thầy tế lễ trao bánh thánh cho ông, vì ở đó không có bánh gì khác ngoài bánh cung hiến đã được đặt trước mặt Đức Giê-hô-va, mà người ta lấy đi để đặt bánh mới vào trong ngày thay bánh.   7 Cũng trong ngày ấy, có một trong các đầy tớ của Sau-lơ ở đó, bị cầm giữ tại trước mặt Đức Giê-hô-va. Hắn tên là Đô-e, người Ê-đôm, đứng đầu các người chăn chiên của Sau-lơ.

8 Đa-vít hỏi A-hi-mê-léc: “Ở đây ông có sẵn một cây giáo hay là một thanh gươm nào không? Tôi đã không đem theo gươm hay là vũ khí gì, vì lệnh vua quá khẩn cấp!”

9 Thầy tế lễ nói: “Đây có thanh gươm của Gô-li-át, người Phi-li-tin mà ông đã giết trong thung lũng Ê-la; nó được bọc trong một miếng vải, để phía sau ê-phót. Nếu ông muốn thì hãy lấy đi, vì ở đây không có gươm nào khác.” Đa-vít nói: “Chẳng có gươm nào bằng! Ông đưa gươm đó cho tôi.”

Đa-vít trốn đến Gát

10 Trong ngày đó, Đa-vít lên đường trốn khỏi Sau-lơ. Ông đến gặp A-kích, vua thành Gát. 11 Triều thần của A-kích hỏi: “Người nầy chẳng phải là Đa-vít, vua của xứ ấy sao? Chẳng phải người ta đã hát mừng người nầy trong lúc nhảy múa rằng:

  ‘Sau-lơ giết hàng ngàn,
   Còn Đa-vít giết hàng vạn’ sao?”

12 Đa-vít suy nghĩ về những lời nầy, và rất sợ A-kích, vua thành Gát. 13 Ông giả điên trước mặt chúng, làm bộ dại khờ giữa họ; ông vẽ nguệch ngoạc trên cửa cổng và để nước miếng chảy xuống râu.

14 A-kích nói với bầy tôi mình: “Kìa, các ngươi thấy hắn điên khùng, tại sao các ngươi còn dẫn hắn đến cho ta? 15 Ta có cần người điên đâu mà các ngươi dẫn tên nầy đến để nó bày trò điên khùng trước mặt ta? Một người như thế làm sao vào cung của ta được?”

Đa-vít trong hang đá A-đu-lam và đất Mô-áp

22 1 Đa-vít đi khỏi đất Gát và trốn trong hang đá A-đu-lam. Khi các anh và cả gia đình ông hay tin, đều đi xuống đó với ông. 2 Tất cả những người cùng khốn, nợ nần, bất mãn đều quy tụ quanh ông, và ông trở thành thủ lĩnh của họ. Có khoảng bốn trăm người theo ông.

3 Từ nơi đó, Đa-vít đi đến Mích-pê thuộc Mô-áp, ông nói với vua Mô-áp: “Xin cho phép cha mẹ tôi đến ở với các ông cho đến khi tôi biết được điều Đức Chúa Trời sẽ làm cho tôi.” 4 Đa-vít dẫn cha mẹ mình đến gặp vua Mô-áp, và họ ở lại với vua suốt thời gian Đa-vít ở trong đồn lũy.

5 Nhưng nhà tiên tri Gát nói với Đa-vít: “Đừng ở trong đồn lũy nầy nữa; hãy đi đến đất Giu-đa.” Vậy, Đa-vít ra đi và đến khu rừng Hê-rết. Sau-lơ giết các thầy tế lễ và dân thành Nóp

6 Sau-lơ nghe tin người ta đã tìm được Đa-vít và những người theo ông. Lúc ấy, Sau-lơ đang ngồi dưới gốc cây liễu trên một đồi cao ở Ghi-bê-a, tay cầm cây giáo, còn tất cả triều thần đứng chầu bên vua. 7 Sau-lơ nói với triều thần đứng chầu bên mình: “Hỡi người Bên-gia-min, hãy nghe! Có phải con Gie-sê sẽ ban cho các ngươi những đồng ruộng và vườn nho chăng? Các ngươi hi vọng nó sẽ phong các ngươi làm chỉ huy trưởng nghìn người và trăm người sao? 8 Vậy, tại sao tất cả các ngươi đồng mưu chống lại ta, và tại sao không cho ta hay rằng con trai ta đã kết ước với con Gie-sê? Vì sao không ai thương xót ta, cho ta hay trước rằng con trai ta đã xúi giục kẻ đầy tớ ta chống lại ta, âm mưu hại ta, như nó đã làm ngày nay?”

9 Bấy giờ, Đô-e người Ê-đôm, đang đứng bên triều thần của Sau-lơ, đáp: “Tôi thấy con của Gie-sê đến Nóp, vào nhà A-hi-mê-léc, con A-hi-túp. 10 A-hi-mê-léc cầu hỏi Đức Giê-hô-va cho hắn, cung cấp lương thực cho hắn, và đưa cho hắn thanh gươm của Gô-li-át, người Phi-li-tin.”

11 Vua sai người đi gọi thầy tế lễ A-hi-mê-léc, con A-hi-túp, cùng cả gia đình ông đến, tức những thầy tế lễ ở Nóp. Tất cả những người đó đều đến cùng vua.

12 Sau-lơ nói: “Hỡi con A-hi-túp, hãy nghe!”

A-hi-mê-léc đáp: “Thưa chúa, có tôi đây.”

13 Sau-lơ nói tiếp: “Tại sao ngươi đồng mưu với con Gie-sê mà chống lại ta? Ngươi đã cấp bánh cho nó và đưa cho nó một thanh gươm, rồi cầu hỏi Đức Chúa Trời cho nó, để nó nổi lên chống lại ta, âm mưu hại ta, như nó đã làm ngày nay?”

14 A-hi-mê-léc thưa với vua: “Trong cả triều thần của ngài, ai là người trung thành như Đa-vít, làm phò mã, chỉ huy cận vệ của ngài, và được tôn trọng hơn hết trong triều đình? 15 Có phải hôm nay tôi mới bắt đầu cầu hỏi Đức Chúa Trời cho người đâu? Không hề như vậy! Xin bệ hạ đừng quy tội cho đầy tớ bệ hạ hoặc cho người nào trong nhà cha tôi về bất cứ điều gì, vì đầy tớ bệ hạ chẳng biết gì, hoặc ít hay nhiều về điều đó.”

16 Vua nói: “Nầy A-hi-mê-léc, ngươi và cả nhà cha ngươi đều phải chết!”

17 Vua bảo các cận vệ đứng bên mình: “Hãy lại gần và giết các thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va, vì chúng nó đã tiếp tay với Đa-vít, biết nó trốn mà không cho ta hay.”

Nhưng các cận vệ của vua không muốn tra tay đánh giết những thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va.

18 Vì thế, vua bảo Đô-e: “Ngươi hãy lại gần và giết các thầy tế lễ đi!” Đô-e, người Ê-đôm, xông lại giết các thầy tế lễ. Trong ngày đó, hắn giết tám mươi lăm người mặc ê-phót bằng vải gai. 19 Vua cũng cho dùng gươm đánh giết dân thành Nóp, là thành của các thầy tế lễ; từ đàn ông đến đàn bà, từ trẻ con đến trẻ đang bú, cả bò, lừa, và chiên, đều bị giết bằng gươm.

20 Nhưng một trong các con của A-hi-mê-léc, cháu của A-hi-túp, tên là A-bia-tha, thoát khỏi và trốn theo Đa-vít. 21 A-bia-tha thuật lại cho Đa-vít việc Sau-lơ đã giết các thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va. 22 Đa-vít nói với A-bia-tha: “Tôi biết Đô-e, người Ê-đôm, có mặt tại đó trong ngày hôm ấy, chắc chắn hắn đã báo cho Sau-lơ. Chính tôi là nguyên nhân gây ra cái chết cả nhà cha của anh. 23 Hãy ở với tôi, đừng sợ gì! Vì ai tìm hại mạng sống anh là tìm hại mạng sống tôi. Ở bên tôi, anh sẽ được an toàn.”

Đa-vít giải cứu thành Kê-i-la

23 1 Người ta đến báo tin cho Đa-vít: “Kìa, người Phi-li-tin tiến đánh Kê-i-la và chiếm các sân đập lúa.” 2 Đa-vít cầu hỏi Đức Giê-hô-va: “Con có nên đi đánh những người Phi-li-tin nầy không?”

Đức Giê-hô-va phán với Đa-vít: “Hãy đi đánh người Phi-li-tin và giải cứu Kê-i-la.”

3 Tuy nhiên, những người theo Đa-vít nói: “Ở tại đây, ngay trong đất Giu-đa, mà chúng ta còn sợ hãi, huống chi đi đến Kê-i-la để đánh quân Phi-li-tin!”

4 Đa-vít tiếp tục cầu hỏi Đức Giê-hô-va, và Đức Giê-hô-va trả lời ông: “Hãy trỗi dậy, đi xuống Kê-i-la, Ta sẽ phó người Phi-li-tin vào tay con.” 5 Vậy, Đa-vít cùng với những người theo mình đến Kê-i-la, đánh người Phi-li-tin, bắt hết súc vật của chúng, và làm cho chúng tổn thất nặng nề. Như thế, Đa-vít đã giải cứu dân thành Kê-i-la.

6 Khi con của A-hi-mê-léc là A-bia-tha trốn đến với Đa-vít, ông có đem theo cái ê-phót, và cùng Đa-vít đến Kê-i-la. 7 Người ta cho Sau-lơ hay rằng Đa-vít đã vào trong Kê-i-la. Sau-lơ nói: “Đức Chúa Trời đã phó nó vào tay ta, vì nó đã tự giam mình khi đi vào trong thành có cửa đóng then cài.” 8 Sau-lơ liền huy động toàn quân, kéo xuống Kê-i-la, bao vây Đa-vít và những người theo ông.

9 Nhưng khi Đa-vít biết rằng Sau-lơ mưu toan hại mình, thì ông nói với thầy tế lễ A-bia-tha: “Hãy đem ê-phót đến đây.” 10 Rồi Đa-vít cầu hỏi: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đầy tớ của Chúa đã nghe rằng vì cớ con, Sau-lơ định đến thành Kê-i-la để phá hủy thành nầy. 11 Dân Kê-i-la có nộp con vào tay Sau-lơ không? Sau-lơ sẽ đi xuống đúng như lời đầy tớ Chúa đã nghe không? Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, xin cho đầy tớ Chúa biết điều đó.”

Đức Giê-hô-va phán: “Sau-lơ sẽ đi xuống.”

12 Đa-vít lại hỏi: “Dân Kê-i-la có nộp con và những người theo con vào tay Sau-lơ không?”

Đức Giê-hô-va phán: “Chúng sẽ nộp các ngươi.”

13 Vậy, Đa-vít và những người theo mình, khoảng sáu trăm người, liền trỗi dậy ra khỏi Kê-i-la, và đi hết nơi nầy đến nơi khác. Khi nghe tin Đa-vít đã thoát ra khỏi Kê-i-la, Sau-lơ không kéo quân đi nữa.

Đa-vít ở trong hoang mạc Xíp và Ma-ôn

14 Đa-vít ở các nơi hiểm trở trong hoang mạc thuộc vùng đồi núi hoang mạc Xíp. Sau-lơ săn đuổi ông hằng ngày, nhưng Đức Chúa Trời không phó ông vào tay Sau-lơ.

15 Đa-vít thấy Sau-lơ đã kéo quân ra để săn đuổi mạng sống mình thì ở lại Hô-rết thuộc hoang mạc Xíp. 16 Bấy giờ Giô-na-than, con của Sau-lơ, lên đường đến với Đa-vít ở Hô-rết, giúp ông vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời. 17 Giô-na-than nói: “Đừng sợ, vì tay của cha tôi là Sau-lơ sẽ chẳng đụng đến anh được đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể tướng của anh. Sau-lơ, cha tôi, cũng biết rõ như thế.” 18 Hai người cùng lập giao ước trước mặt Đức Giê-hô-va. Rồi Đa-vít ở lại Hô-rết, còn Giô-na-than trở về nhà mình.

19 Người Xíp đi lên gặp Sau-lơ tại Ghi-bê-a, và nói: “Đa-vít trốn giữa chúng tôi trong các nơi hiểm trở tại Hô-rết, trên đồi Ha-ki-la, ở về phía nam của hoang mạc. 20 Vậy bây giờ, xin bệ hạ hãy xuống như lòng khao khát của bệ hạ. Về phần mình, chúng tôi sẽ nộp hắn vào tay bệ hạ.”

21 Sau-lơ nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho các ngươi, vì các ngươi có lòng thương xót ta! 22 Hãy đi điều tra để biết cho chắc hơn nữa chỗ hắn ở, và ai đã nhìn thấy hắn ở đó; vì người ta nói hắn rất quỷ quyệt. 23 Các ngươi hãy xem xét và tìm biết tất cả nơi hắn lẩn trốn, rồi trở về tường trình chính xác cho ta. Lúc ấy ta sẽ đi với các ngươi. Nếu hắn ở trong xứ thì ta sẽ tìm hắn trong các gia tộc của Giu-đa.”

24 Họ liền lên đường trở về Xíp trước Sau-lơ. Còn Đa-vít và những thuộc hạ của ông ở trong hoang mạc Ma-ôn, tại A-ra-ba về phía nam hoang mạc. 25 Sau-lơ và các thuộc hạ đi tìm Đa-vít. Người ta báo tin nầy cho Đa-vít, ông xuống chỗ tảng đá trong hoang mạc Ma-ôn. Khi hay tin, Sau-lơ đến đó truy đuổi Đa-vít. 26 Sau-lơ đi trên sườn núi bên nầy, còn Đa-vít và thuộc hạ đi sườn núi bên kia. Đa-vít vội vàng chạy trốn để thoát khỏi Sau-lơ. Nhưng khi Sau-lơ và các thuộc hạ đang bao vây để bắt Đa-vít và những người theo ông, 27 thì có một người đưa tin đến báo cho Sau-lơ: “Xin bệ hạ về gấp, vì người Phi-li-tin đang xâm lấn xứ sở.” 28 Sau-lơ ngưng truy đuổi Đa-vít để trở về đánh người Phi-li-tin. Vì thế, người ta gọi chỗ nầy là Tảng Đá Phân Rẽ.

Bình luận

Giúp nhau mạnh mẽ hơn

Đây là thời kỳ xung đột dữ dội đối với Đa-vít.

Lòng ghen tị, như chúng ta thấy ở đây với Sau-lơ, dường như không bao giờ nguôi ngoai khi nó nắm bắt được một người. Nó đã khiến Sau-lơ ngày càng có nhiều hành động xấu xa máu lạnh hơn. Ông không nghĩ gì đến việc tiêu diệt một thành đầy thầy tế lễ (22:19).

Da-vít đã phải dùng đến mọi mưu mẹo để tránh các cuộc tấn công. Ngài ăn Bánh Hiện Diện thánh (21:1–9, MSG); ông giả vờ phát điên (c.13) và tập hợp một nhóm gồm đủ loại “những kẻ thất bại, lang thang và lạc loài đủ loại” (22:1, MSG). Tuy nhiên, chúng ta thấy trong phân đoạn này những đức tính nổi bật của Đa-vít ngay cả khi ông bị tấn công.

1. Lòng trung thành
Đa-vít nổi tiếng với lòng trung thành (c.14) và rất được kính trọng. Đa-vít và Giô-na-than hoàn toàn trung thành với nhau: ‘Giô-na-than lên đường đến với Đa-vít ở Hô-rết, giúp ông vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời’ (23:16).

Xem xét khả năng Giô-na-than có thể nghĩ rằng mình là người thừa kế ngai vàng, thái độ của Giô-na-than đối với Đa-vít thật phi thường: ‘Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể tướng của anh’ (c.17). Họ hoàn toàn cam kết với nhau: ‘Hai người đã lập giao ước trước mặt Chúa’ (c.18).

Không có gì giúp ích nhiều hơn trong những lúc xung đột hơn là lòng trung thành của bạn bè và gia đình chúng ta. Họ có thể giúp đỡ bạn trong những lúc khó khăn. Và, khi họ bị tấn công, bạn có thể giúp họ bằng lòng trung thành và sự hỗ trợ của mình để tìm thấy sức mạnh nơi Chúa.

2. Sự cầu nguyện
Điểm đến đầu tiên của bạn khi xung đột xảy ra trong cuộc sống của bạn là gì? Như Joyce Meyer đã nói, khi rắc rối xảy đến, bạn sẽ 'chạy đến điện thoại' hay bạn 'chạy đến ngai vàng'? Ở giai đoạn này của cuộc đời, Đa-vít đã học được tầm quan trọng thiết yếu của việc cầu hỏi Chúa trước khi đưa ra quyết định. Khi bị tấn công hết lần này đến lần khác, “Đa-vít đã cầu hỏi Đức Chúa Trời” (c.2,4). Cứ thế này, các cuộc tấn công thực sự có thể kéo bạn đến gần Chúa hơn.

Một trong những bi kịch của câu chuyện này là thay vì chiến đấu với kẻ thù thực sự (c.27), dân Chúa, giống như hai chiếc lò xo đó, lại đánh nhau. Điều này đã tạo cơ hội cho người Phi-li-tin tấn công. Và ngày nay nguy cơ đó có thể xảy ra ở hội thánh.

Đức Chúa Trời có thể biến điều gì đó xấu xa và chia rẽ mà Sa-tan gây ra thành điều tốt lành. Đức Chúa Trời dùng cuộc tấn công của quân Phi-li-tin để giải cứu Đa-vít: ‘Sau-lơ ngưng truy đuổi Đa-vít để trở về đánh người Phi-li-tin’ (c.28). Sẽ thật tuyệt vời nếu hội thánh ngừng đấu đá nội bộ và đoàn kết cùng nhau đối mặt với những kẻ thù thực sự đang đe dọa hủy diệt thế giới của chúng ta, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, bất công, bệnh tật và nghèo đói.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin giúp chúng con trung thành với nhau, dừng việc tranh chiến trong nhà thờ và đoàn kết để đối mặt với những cuộc tấn công thực sự từ bên ngoài.

Pippa chia sẻ

Châm Ngôn 13:12

'Hi vọng bị hoãn lại khiến lòng đau đớn, Nhưng ước mơ được thành là cây sự sống.'

Thất vọng thực sự có thể làm cho bạn bị bệnh. Nếu bạn không xử lý, nó sẽ mưng mủ; nó sẽ ăn mòn bạn. Tôi không chắc câu trả lời là gì ngoại trừ việc đến với Chúa và cố gắng buông bỏ nó và tin cậy vào quyền tể trị của Chúa – điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Câu kinh thánh trong ngày

Châm ngôn 13:12,19

'Hi vọng bị hoãn lại khiến lòng đau đớn, nhưng ước mơ được thành là cây sự sống....làm cho tâm hồn êm dịu'

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

Sign up now
reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Joyce Meyer, New Day, New You (Faithwords, 2007), p.365

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

Change Language

Bible in One Year is available in the following languages:

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more