Ngày 157

Sự nhân từ

Khôn ngoan Thi Thiên 70:1-5
Tân ước Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-26
Cựu Ước II Sa-mu-ên 9:1-10:19

Giới thiệu

Steve Sjogren đã viết một cuốn sách có tựa đề là Conspiracy of Kindness (tạm dịch: Âm mưu của Sự nhân từ). Ông là người thành lập Hội Thánh ở Cincinnati, Ohio, với số lượng tham dự trung bình là trên 7.000 người. Châm ngôn của họ là: "Thế giới đang được thay đổi bởi những việc tuy nhỏ nhưng được thực hiện bởi tình yêu to lớn." Họ có nhiều hành động để bày tỏ sự nhân từ như trả tiền cà phê cho một người lạ hoặc để lại lời cảm ơn cho nhân viên bán hàng.

Nhân từ chính là biểu hiện cụ thể của sự yêu thương. Khi bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng những cách thiết thực, họ đã khám phá được sức mạnh của sự nhân từ. Nó tạo ra những thay đổi tích cực, trong cuộc sống của chính họ và của những người xung quanh họ. Sự nhân từ khi được trao đi một cách không-thể-ngờ-tới chính là tác nhân làm thay đổi con người một cách mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất, nhưng lại thường không được chú trọng. Khi sự nhân từ được bày tỏ, các mối quan hệ lành mạnh sẽ được gây dựng, sự gắn kết trong cộng đồng cũng được nuôi dưỡng và mọi người sẽ được truyền cảm hứng để tiếp tục bày tỏ tấm lòng nhân từ của mình.

Khôn ngoan

Thi Thiên 70:1-5

Cầu Đức Giê-hô-va cứu-giúp, làm cho kẻ hà-hiếp bị sỉ-nhục

Thơ Đa-vít làm, để kỷ-niệm. Cho thầy nhạc-chánh.

 1 Đức Chúa Trời ôi! xin mau mau giải-cứu tôi;
  Đức Giê-hô-va ôi! xin mau mau giúp-đỡ tôi.
 2 Nguyện những kẻ tìm hại mạng-sống tôi
  Đều phải bị hổ-thẹn và nhuốc-nhơ;
  Nguyện những kẻ vui-vẻ về sự thiệt-hại tôi
  Phải thối lại sau, và bị mắc-cỡ.
 3 Những kẻ nói rằng: Ha ha! ha ha!
  Nguyện chúng nó phải thối lại sau, vì cớ sự hổ-thẹn chúng nó.
 4 Nguyện hết thảy người nào tìm-cầu Chúa,
  Được mừng-rỡ vui-vẻ nơi Chúa;
  Nguyện những kẻ yêu-mến sự cứu-rỗi của Chúa
  Hằng nói rằng: Đáng tôn Đức Chúa Trời oai-nghi thay!
 5 Còn tôi bị khốn-cùng và thiếu-thốn;
  Đức Chúa Trời ôi! xin hãy mau mau đến cùng tôi:
  Chúa là sự giúp-đỡ tôi, Đấng giải-cứu tôi;
  Đức Giê-hô-va ôi! chớ chậm-trễ.

Bình luận

Tin cậy nơi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ. Ngài yêu bạn. Bất kể nan đề của bạn hôm nay là gì, bạn đều có thể kêu cầu Ngài và Ngài sẽ giúp đỡ và giải cứu bạn.

Đa-vít đã cầu nguyện rằng: "Đức Chúa Trời ôi! xin mau mau giải-cứu tôi; Đức Giê-hô-va ôi! xin mau mau giúp-đỡ tôi." (c.1). Ông nói tiếp: "Còn tôi bị khốn-cùng và thiếu-thốn; Đức Chúa Trời ôi! xin hãy mau mau đến cùng tôi: Chúa là sự giúp-đỡ tôi, Đấng giải-cứu tôi; Đức Giê-hô-va ôi! chớ chậm-trễ" (c.5). Khi than khóc, Đa-vít nhớ lại sự nhân từ mà Chúa đã bày tỏ với ông trong quá khứ.

Khi xem lại phân đoạn này trong quyển Kinh Thánh của mình và thấy những lời kêu cầu mà tôi đã viết ra bên cạnh nó trong nhiều năm qua, tôi cầu nguyện rằng:

Cầu nguyện

Chúa ôi, con tạ ơn Ngài. Vì sự nhân từ và yêu thương của Ngài. Hôm nay, con kêu cầu Ngài vì...
Tân ước

Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-26

Chữa lành người què chân. – Lời giảng của Phi-e-rơ

1 Buổi cầu-nguyện giờ thứ chín, Phi-e-rơ với Giăng cùng lên đền-thờ. 2 Vả, có một người què từ lúc sanh ra, cứ hằng ngày người ta đem đặt tại cửa đền, gọi là Cửa Đẹp, đặng ăn mày những người vào đền. 3 Người thấy Phi-e-rơ và Giăng vào, thì xin hai người bố-thí. 4 Phi-e-rơ với Giăng ngó chăm người, rồi nói rằng: Hãy nhìn xem chúng ta. 5 Vậy, người bèn nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì. 6 Nhưng Phi-e-rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi! 7 Phi-e-rơ nắm tay hữu người đỡ dậy. Tức thì bàn chân và mắt-cá người trở nên cứng vững; 8 người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền-thờ, vừa đi, vừa nhảy, vừa ngợi-khen Đức Chúa Trời. 9 Cả dân-chúng đều thấy người bước đi và ngợi-khen Đức Chúa Trời. 10 Người ta nhận là chính người đó đã ngồi tại Cửa Đẹp đền-thờ đặng xin bố-thí nên đều bỡ-ngỡ và sững-sờ về việc đã xảy đến cho người. 11 Người ấy đang cầm tay Phi-e-rơ và Giăng, thì cả dân-chúng lấy làm lạ, chạy đến cùng các người đó ở nơi hiên cửa gọi là Sa-lô-môn.

12 Phi-e-rơ thấy vậy, bèn nói với dân-chúng rằng: Hỡi người Y-sơ-ra-ên, sao các ngươi lấy làm lạ về việc vừa xảy đến? Sao các ngươi ngó sửng chúng ta, dường như chúng ta đã nhờ quyền-phép hay là nhân-đức riêng của mình mà khiến người nầy đi được vậy? 13 Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng ta đã làm vinh-hiển đầy-tớ Ngài là Đức Chúa Jêsus, là Đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối-bỏ trước mặt Phi-lát, trong khi người có ý tha Ngài ra. 14 Các ngươi đã chối-bỏ Đấng Thánh và Đấng Công-bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình; 15 các ngươi đã giết Chúa của sự sống mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, và chúng ta là người làm chứng về điều đó. 16 Ấy là bởi đức-tin trong danh Ngài, nên danh Ngài làm cho vững người nầy là người các ngươi thấy và biết; nghĩa là đức-tin bởi Ngài mà ra, đã ban cho người nầy sự mạnh-khoẻ trọn-vẹn, tại trước mặt hết thảy các ngươi. 17 Hỡi anh em, bây giờ ta biết anh em và các quan của anh em, vì lòng ngu-dốt nên đã làm điều đó. 18 Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng cách đó mà làm cho ứng-nghiệm lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các đấng tiên-tri rằng Đấng Christ của Ngài phải chịu đau-đớn.

19 Vậy, các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi, 20 hầu cho kỳ thơ-thái đến từ Chúa, và Chúa sai Đấng Christ đã định cho các ngươi, tức là Jêsus, 21 mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên-tri. 22 Môi-se có nói rằng: Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Đấng tiên-tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn. 23 Hễ ai không nghe Đấng tiên-tri ấy sẽ bị truất khỏi dân-sự. 24 Hết thảy các tiên-tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các đấng nối theo người, cũng đều có rao-truyền những ngày nầy nữa. 25 Các ngươi là dòng-dõi của các đấng tiên-tri, và của giao-ước Đức Chúa Trời đã lập với tổ-phụ chúng ta, khi Ngài phán cùng Áp-ra-ham rằng: Các dân thiên-hạ sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước. 26 Đức Chúa Trời đã dấy Đầy-tớ Ngài lên, rồi trước hết sai Người xuống ban phước cho các ngươi, mà dắt ai nấy trong bọn các ngươi xây lại khỏi tội-ác mình.

Bình luận

Bày tỏ sự nhân từ với người cần được giúp đỡ

Một hành động nhân từ có thể làm thay đổi cả một ngày của ai đó, hoặc thậm chí là cả cuộc đời của họ. Như câu nói: "Hãy thật tử tế, vì ai nấy đều đang ở trong những trận chiến của chính mình." Nhân từ là một đặc tính của bông trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22). Theo phân đoạn này (Công vụ 3:1-10), ngay sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi-e-rơ và Giăng đều đã có những hành động được gọi là "làm phước" (4:9).

Việc "làm phước" này đã kéo theo một chuỗi sự kiện rất quan trọng sau đó, có lẽ cách mô tả tốt nhất phải là "năng quyền truyền giáo". Nó mang đến sự phát triển đáng kinh ngạc của Hội Thánh. Đó là một sự khởi đầu mà sau này đã làm thay đổi cả thế giới.

Nếu chúng tôi cần phải thành lập một Hội Thánh mới, có lẽ chúng tôi cũng nên làm theo cách của họ. Họ không có cơ sở vật chất, không có tiền và cũng chẳng có nguồn lực nào. Mọi thứ chỉ bắt đầu với một nhóm ngư dân và người thu thuế, và một vài điều khác, bao gồm cả những con người đang nói tiếng lạ! Tuy nhiên, Hội Thánh đã được hình thành với sự phát triển đáng kinh ngạc.

Những người bên ngoài bị thu hút bởi những điều họ thấy đang xảy ra ở bên trong. Họ bị thu hút bởi quyền năng thiên thượng của Đức Chúa Trời - quyền năng được giải phóng qua việc "làm phước" này.

Phi-e-rơ và Giăng đang trên đường đến một buổi thờ phượng vào buổi tối. Khi đến nơi, họ nhìn thấy một người đang rất cần được giúp đỡ. Chúng ta có thể sẽ gặp những người này ở những nơi mà họ đến để mong được nhận sự giúp đỡ.

Người này được "đem đến đặt tại cửa đền thờ, gọi là Cửa Đẹp, để xin tiền những người vào đền thờ" (c.2). Cửa được gọi là Đẹp; tuy nhiên, những gì họ nhìn thấy không phải là điều mà thế giới này xem là đẹp đẽ - một người đàn ông tàn tật bẩm sinh đang ngồi ăn xin.

Lòng họ nặng trĩu khi nhìn thấy sự tương phản đó. Nói đúng hơn, đức tin của họ trỗi dậy. Và họ đã làm một điều gì đó. Họ đã chữa lành cho người đó. Họ đã gặp người cần được giúp đỡ. Họ đã nhận ra vẻ đẹp bên trong của mỗi con người. Tuy họ không có tiền nhưng Phi-e-rơ đã nói: "Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi!" (c.6).

Có một quyền năng vĩ đại trong Danh của Chúa Giê-su. Đối với người Do Thái, tên của một người tiết lộ về chính tính cách của họ. Đây không phải là một công thức diệu kỳ hay một cụm từ để thêm vào cuối lời cầu nguyện. Đây chính là điểm khác biệt giữa chức vụ của Chúa Giê-su và chức vụ của các môn đồ. Chúa Giê-su chữa bệnh bởi chính thẩm quyền của Ngài, còn các môn đồ thì nhân danh Ngài để chữa bệnh. Tương tự như thế, thì chúng ta cũng phụ thuộc vào Ngài. Ngay cả trong sự yếu đuối của mình, bạn và tôi vẫn có thể tiếp tục thực thi chức vụ của Ngài, bởi quyền năng Ngàinhân danh Ngài.

Không chỉ người đàn ông này được chữa lành (anh đứng dậy, bắt đầu bước đi và ngợi khen Đức Chúa Trời, c.8), mà nhiều người khác cũng được biến đổi. Hành động nhân từ này đã có hiệu quả đáng kinh ngạc. Dân chúng "kinh ngạc và sửng sốt về việc đã xảy đến cho anh... lấy làm kinh ngạc và đổ xô đến với họ" (c.10-11). Quyền năng của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ và kèm đó là sự công bố về Phúc Âm. Họ có cơ hội để nói về Chúa Giê-su: sự chết và sự sống lại của Ngài, và sự cần thiết của đức tin (c.14–16).

Việc rao giảng của chúng ta phải luôn giữ Chúa Giê-su làm trọng tâm. Bài giảng thứ hai của Phi-e-rơ, tương tự như bài giảng đầu tiên, hoàn toàn tập trung vào Chúa Giê-su. Ông mở đầu rằng: "Thưa đồng bào Y-sơ-ra-ên, tại sao anh em ngạc nhiên về việc nầy? Sao anh em nhìn chăm chúng tôi như thể chúng tôi đã nhờ quyền năng hay đạo đức riêng của mình mà khiến người nầy đi được?" (c.12). Phi-e-rơ không muốn người ta tập trung vào ông, mà tập trung vào Chúa Giê-su.

Toàn bộ phần chia sẻ của ông đều là về Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là "đầy tớ" của Đức Chúa Trời (c.13), "Đấng Thánh và Đấng Công Chính" (c.14), "Chúa của sự sống" (c.15) và là "Đấng tiên tri" đã được Môi-se báo trước (c.22). Ông nói: "ẤChính đức tin trong danh Ngài đã làm cho người mà anh em thấy và biết đây được vững mạnh. Chính danh Ngài và đức tin nơi Ngài đã khiến người nầy hoàn toàn khỏe mạnh như tất cả anh em đã thấy" (c.16).

Phi-e-rơ báo tin mừng về Chúa Giê-su. Ông nói về tội lỗi, thập tự giá, sự phục sinh và sự cần thiết của việc ăn năn và quay về với Đức Chúa Trời. Ông đảm bảo với họ về lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ tha tội cho họ và khôi phục mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Ông nói: "Vậy, anh em hãy ăn năn và trở về với Đức Chúa Trời để tội lỗi mình được xóa bôi" (c.19).

"Thời kỳ tươi mới" đến khi bạn dành thời gian ở trong sự hiện diện của Chúa. Khi bạn mệt mỏi hay kiệt sức, bạn có thể được hồi phục bằng cách dành thời gian cho Chúa. Đôi khi, bạn cần học cách tách mình ra khỏi sự bận rộn của cuộc sống và dành thời gian cho Chúa, như cách Chúa Giê-su đã làm. Đức Thánh Linh, với sự nhân từ, muốn mang đến cho bạn "thời kỳ tươi mới".

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì quyền năng lớn lao khi nhân danh Chúa Giê-su. Hôm nay, xin cho con cơ hội để bày tỏ sự nhân từ với ai đó và giúp đỡ họ, nhân danh Chúa Giê-su.
Cựu Ước

II Sa-mu-ên 9:1-10:19

Đa-vít và Mê-phi-bô-sết

9 Bấy giờ, Đa-vít nói: “Nhà Sau-lơ có ai còn sống sót không? Ta muốn vì Giô-na-than mà làm ơn cho người ấy.” 2 Có một đầy tớ của nhà Sau-lơ, tên là Xíp-ba; người ta gọi ông đến với Đa-vít. Vua hỏi: “Ngươi là Xíp-ba phải không?” Ông thưa: “Phải, chính tôi, là đầy tớ của bệ hạ.” 3 Vua nói tiếp: “Nhà Sau-lơ có còn người nào không? Ta muốn lấy ơn của Đức Chúa Trời mà đãi người ấy.” Xíp-ba thưa với vua: “Còn một người con trai của Giô-na-than bị què cả hai chân.” 4 Vua hỏi: “Người ấy ở đâu?” Xíp-ba thưa: “Người ở trong nhà Ma-ki, con của A-mi-ên, tại Lô-đê-ba.” 5 Vậy, vua Đa-vít sai người đến nhà Ma-ki, con của A-mi-ên ở Lô-đê-ba, đón người ấy về.

6 Khi Mê-phi-bô-sết, con của Giô-na-than, cháu Sau-lơ, đến với Đa-vít thì sấp mặt xuống đất mà lạy. Đa-vít gọi: “Mê-phi-bô-sết!” Ông thưa: “Dạ! Có đầy tớ bệ hạ đây.” 7 Đa-vít nói với ông: “Đừng sợ, ta muốn làm ơn cho con vì Giô-na-than, cha của con; ta sẽ trả lại cho con tất cả đất đai của Sau-lơ, ông nội con, và con sẽ luôn dùng bữa tại bàn ăn của ta.” 8 Mê-phi-bô-sết cúi lạy, và nói: “Đầy tớ bệ hạ là gì, mà bệ hạ lại đoái đến một con chó chết như con đây?”

9 Rồi vua gọi Xíp-ba, đầy tớ của Sau-lơ, và nói: “Ta đã ban cho cháu nội của chủ ngươi tất cả tài sản thuộc về Sau-lơ và cả nhà người. 10 Vậy, ngươi cùng các con trai và đầy tớ ngươi phải cày cấy đất đó cho người, rồi thu hoạch hoa lợi để cháu nội của chủ ngươi có bánh ăn. Còn Mê-phi-bô-sết, cháu nội của chủ ngươi, sẽ ăn tại bàn ta luôn luôn.” Lúc bấy giờ, Xíp-ba có mười lăm con trai và hai mươi đầy tớ. 11 Xíp-ba thưa với vua: “Đầy tớ bệ hạ sẽ làm mọi điều bệ hạ là chúa tôi dặn bảo.” Như thế, Mê-phi-bô-sết ăn tại bàn của Đa-vít như một trong các con trai của vua. 12 Mê-phi-bô-sết có một con trai nhỏ tên là Mi-ca. Tất cả những người ở trong nhà Xíp-ba đều là đầy tớ của Mê-phi-bô-sết. 13 Như vậy, Mê-phi-bô-sết sống ở Giê-ru-sa-lem vì ông luôn được ăn tại bàn của vua, dù ông bị què cả hai chân.

Các sứ giả của Đa-vít bị vua Am-môn sỉ nhục

10 Một thời gian sau, vua Am-môn băng hà; con trai vua là Ha-nun lên kế vị. 2 Đa-vít nói: “Ta muốn bày tỏ tình thân thiện với Ha-nun, con của Na-hách, như cha vua ấy đã đối xử tốt với ta.” Rồi Đa-vít sai các triều thần của mình đến chia buồn với vua ấy về sự qua đời của vua cha. Vậy, các triều thần của Đa-vít đến đất người Am-môn. 3 Nhưng các thủ lĩnh của người Am-môn tâu với Ha-nun, chúa mình: “Bệ hạ tưởng rằng Đa-vít sai người đến chia buồn với bệ hạ là vì tôn kính vua cha sao? Đa-vít sai những đầy tớ đến với bệ hạ, chẳng phải là để xem xét thành, do thám và triệt hạ thành sao?” 4 Thế là Ha-nun bắt các đầy tớ của Đa-vít, cạo một nửa râu của họ, cắt ngắn áo dài họ cho đến mông, rồi đuổi họ về. 5 Người ta thuật lại việc nầy cho Đa-vít nghe; vua sai người đi đón họ, vì họ rất tủi nhục. Vua bảo họ: “Hãy ở lại Giê-ri-cô cho đến khi râu của các ngươi mọc lại, rồi hãy trở về.”

Người Am-môn và A-ram bị bại trận

6 Khi người Am-môn thấy mình đã trở nên đáng ghét đối với Đa-vít, họ sai người đi thuê khoảng hai mươi nghìn bộ binh của người A-ram ở Bết Rê-hốp và Xô-ba, một nghìn người của vua Ma-a-ca, và mười hai nghìn người ở xứ Tóp. 7 Đa-vít nghe được tin đó, liền sai Giô-áp với cả đoàn quân tinh nhuệ đi đánh chúng. 8 Người Am-môn kéo ra, dàn quân trước cổng thành, còn quân A-ram ở Xô-ba và Rê-hốp, quân của xứ Tóp và vua Ma-a-ca đều đóng riêng ra ở ngoài đồng.

9 Giô-áp thấy phải đối phó với mặt trận cả phía trước lẫn phía sau, nên đã chọn một số chiến sĩ trong đoàn quân tinh nhuệ của Y-sơ-ra-ên, và dàn trận đối địch với người A-ram; 10 số quân còn lại ông giao cho A-bi-sai, em mình, để dàn trận đối mặt với quân Am-môn. 11 Ông nói với A-bi-sai: “Nếu quân A-ram mạnh hơn anh, em sẽ tiếp viện cho anh; nhưng nếu quân Am-môn mạnh hơn em, anh sẽ tiếp viện cho em. 12 Hãy mạnh mẽ và chiến đấu dũng cảm vì dân tộc của chúng ta và vì các thành trì của Đức Chúa Trời chúng ta. Nguyện Đức Giê-hô-va thực hiện ý muốn tốt đẹp của Ngài!” 13 Giô-áp cùng với cánh quân theo ông tiến đến gần, giao chiến với quân A-ram và chúng chạy trốn khỏi ông. 14 Khi thấy quân A-ram bỏ chạy thì quân Am-môn cũng chạy trốn khỏi A-bi-sai, và rút vào trong thành. Sau khi thắng người Am-môn, Giô-áp trở về Giê-ru-sa-lem.

15 Người A-ram thấy mình bị Y-sơ-ra-ên đánh bại thì tập hợp lại với nhau. 16 Ha-đa-đê-xe sai người chiêu tập quân A-ram ở bên kia sông; và Sô-bác, chỉ huy trưởng quân đội Ha-đa-đê-xe, dẫn chúng đến Hê-lam. 17 Nghe tin nầy, Đa-vít tập hợp toàn thể Y-sơ-ra-ên lại, vượt qua sông Giô-đanh, kéo đến Hê-lam. Quân A-ram dàn trận nghênh chiến với Đa-vít. 18 Nhưng rồi quân A-ram chạy trốn khỏi Y-sơ-ra-ên. Đa-vít tiêu diệt bảy trăm chiến xa quân A-ram và bốn mươi nghìn kỵ binh. Tại đó, vua cũng giết chết Sô-bác, chỉ huy trưởng quân đội của chúng. 19 Khi các vua chư hầu của Ha-đa-đê-xe thấy mình bị Y-sơ-ra-ên đánh bại, thì cầu hòa với Y-sơ-ra-ên và phục dịch họ. Người A-ram không còn dám giúp người Am-môn nữa.

Bình luận

Cho và nhận sự nhân từ

Đức Chúa Trời có sự nhân từ vô hạn. Đa-vít đã nói về "ơn của Đức Chúa Trời" (9:3). Khi bạn bày tỏ sự nhân từ, đó cũng là cách để thể hiện sự nhân từ của Đức Chúa Trời dành cho bạn.

Đa-vít hỏi: "Nhà Sau-lơ có ai còn sống sót không? Ta muốn vì Giô-na-than mà làm ơn cho người ấy" (c.1). Sau đó, ông hỏi Xíp-ba: "Nhà Sau-lơ có còn người nào không? Ta muốn lấy ơn của Đức Chúa Trời mà đãi người ấy" (c.3).

Mê-phi-bô-sết mới 5 tuổi khi cha ông qua đời (4:4) và nay ông có một cậu con trai nhỏ (9:12). Đa-vít đã trị vì Giê-ru-sa-lem ít nhất bảy năm và Mê-phi-bô-sết có lẽ khoảng hai mươi tuổi. Sự nhân từ Đa-vít dành cho Mê-phi-bô-sết cũng giống như sự nhân từ mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta – không bị hư mất, không cần đòi hỏi và không có giới hạn.

Một lần nữa, chính người khuyết tật (c.3) đã được bày tỏ sự nhân từ theo cách rất đặc biệt. Đa-vít nói với Mê-phi-bô-sết rằng: "Đừng sợ, ta muốn làm ơn cho con... ta sẽ trả lại cho con tất cả đất đai... và con sẽ luôn dùng bữa tại bàn ăn của ta" (c.7).

Sau đó, Đa-vít đã tìm thêm cơ hội để bày tỏ sự nhân từ. "Ta muốn bày tỏ tình thân thiện với Ha-nun, con của Na-hách, như cha vua ấy đã đối xử tốt với ta" (10:2). Đáng buồn thay, lòng tốt này đã bị hiểu lầm (c.3f), cũng là điều đôi khi vẫn có thể xảy đến với chúng ta. Tuy nhiên, điều này không nên khiến chúng ta lui đi. Cha mẹ của những người này đã đối xử tốt với chúng ta, thì việc chúng ta muốn thể hiện lòng tốt đối với họ là điều hoàn toàn tự nhiên và đúng đắn.

Mê-phi-bô-sết nói: "Đầy tớ bệ hạ là gì, mà bệ hạ lại đoái đến một con chó chết như con đây?" (c.8). Ông nhìn nhận bản thân một cách rất tồi tệ. Giống như nhiều người trong chúng ta, Mê-phi-bô-sết tập trung vào sự bất toàn của mình. Nhưng Chúa ban phước cho chúng ta bất kể sự bất toàn của chúng ta. Ngài muốn chúng ta biết và kinh nghiệm sự nhân từ vô hạn của Ngài. Đừng mải tập trung vào những điều sai trái – tội lỗi, sai lầm, sự yếu đuối và thất bại của bạn. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời ban cho bạn sự công bình của Ngài và Ngài muốn tuôn đổ trên bạn sự nhân từ dồi dào mà Ngài dành cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Christ (Ê-phê-sô 2:7).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì sự phong phú vô hạn của sự nhân từ Ngài dành cho con. Xin giúp con chú ý đến những cơ hội để bày tỏ lòng nhân từ của mình cho những ai đang cần được giúp đỡ.

Pippa chia sẻ

Trong II Sa-mu-ên 10, chúng ta thấy rằng dân Am-môn đã nghi ngờ và xúc phạm người của Đa-vít - những người mang thông điệp của sự thương cảm. Họ đã sống hoà thuận và vui vẻ với nhau cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, do hành động của họ, một cuộc chiến đã nổ ra và nhiều người đã bị thiệt mạng.

Sự khôn ngoan và sáng suốt là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không nên trở nên hoài nghi và phải cố gắng để tin vào động cơ tốt lành của người khác.

Câu kinh thánh trong ngày

Thi Thiên 70:5b,c

"Đức Chúa Trời ôi! Xin mau đến cùng con:
Chúa là Đấng giúp đỡ con và là Đấng giải cứu con;
Đức Giê-hô-va ôi! Xin đừng chậm trễ."

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

Sign up now
reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.

Scripture quotations marked (AMP) taken from the Amplified® Bible, Copyright © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 by The Lockman Foundation. Used by permission. (www.Lockman.org)

Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.

“The One Year® is a registered trademark of Tyndale House Publishers used by permission”

Change Language

Bible in One Year is available in the following languages:

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more