Kế Hoạch cho Năm Mới
Giới thiệu
Tôi thuộc một câu lạc bộ bóng quần (chơi với vợt và một quả bóng cao su nhỏ mềm rỗng, trong sân có tường bao và mái che) cũng là một phòng gym. Mỗi năm vào ngày 1 tháng 1, họ bổ sung thêm thiết bị tập gym đến. Phòng tập kín người. Vào khoảng ngày 7 tháng 1, họ chuyển tất cả các thiết bị bổ sung ra ngoài, vì hầu hết mọi người đã từ bỏ quyết tâm cho năm mới của mình và câu lạc bộ trở lại bình thường!
- Có thân hình đẹp
- Giảm cân
- Giảm uống rượu
- Bỏ thuốc lá
- Thoát khỏi nợ nần
Không có gì sai khi đưa ra những kế hoạch cho Năm mới này. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều có lúc đưa ra những kế hoạch mà chúng ta không thực hiện được.
Tin tốt lành là: mỗi năm là một cơ hội cho một khởi đầu mới. Nhưng mỗi tuần cũng vậy. Chủ nhật hàng tuần là ngày đầu tiên của tuần - một khởi đầu mới. Trên thực tế, mỗi ngày là một cơ hội cho một khởi đầu mới.
Ba từ đầu tiên trong Kinh Thánh là, ‘Lúc ban đầu…’ (Sáng thế ký 1: 1). Mỗi phân đoạn của ngày hôm nay đều cho chúng ta biết điều gì đó về sự khởi đầu mới và cơ hội mới, đồng thời gợi ý một số mục tiêu mới cho Năm mới.
Thi thiên 1:1-6
TẬP THỨ NHẤT
(Thi Thiên 1-41)
So sánh người công chính và kẻ gian ác
1 Phước cho người nào
Chẳng đi theo mưu kế của kẻ ác,
Chẳng đứng trong đường tội nhân,
Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.
2 Nhưng vui thích về luật pháp của Đức Giê-hô-va
Và suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm.
3 Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,
Sinh bông trái đúng mùa đúng tiết,
Lá nó cũng chẳng tàn héo.
Mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng.
4 Kẻ ác chẳng như vậy đâu,
Nhưng chúng khác nào rơm rác gió thổi bay đi.
5 Vì thế, kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày phán xét,
Tội nhân cũng không được vào hội người công chính.
6 Vì Đức Giê-hô-va biết đường lối người công chính,
Nhưng đường lối kẻ ác sẽ bị diệt vong.
Bình luận
"Vui thích" về Kinh Thánh
Nếu bạn đang bắt đầu thử thách đọc Kế hoạch Kinh Thánh trong Một Năm (Bible in One Year), thì bài Thi-thiên này có những lời khích lệ dành cho bạn.
Lời hứa là nếu bạn ‘vui thích’ trong Lời Đức Chúa Trời và ‘suy ngẫm’ Kinh Thánh ‘cả ngày lẫn đêm’ (c.2), đời sống của bạn sẽ được ban phước. Hạnh phúc (Happiness) đến từ những gì xảy ra (happen) với bạn. Phước hạnh là những gì xảy ra với bạn thông qua việc nhận biết Đức Chúa Trời và suy ngẫm lời Ngài.
Đức Chúa Trời hứa với bạn sự kết quả ('Sinh bông trái đúng mùa đúng tiết,', câu.3b), sức sống ('lá không tàn héo', câu.3c) và sự thịnh vượng ('bất cứ điều gì người làm đều thịnh vượng', câu.3d), mặc dù không nhất thiết phải thịnh vượng về vật chất!
Thông điệp này được ủng hộ bằng một cái nhìn về số phận cuối cùng của 'kẻ ác'. Người viết Thi thiên không cố gắng giả vờ rằng những kẻ ác đôi khi không thịnh vượng. Ông chỉ đơn giản nhắc nhở chúng ta về bản chất nhất thời của sự thịnh vượng của họ - ‘họ giống như rơm rác bị gió thổi bay đi… [họ] sẽ bị diệt vong” (câu.4,6).
Chìa khóa để đạt được kết quả và sức sống lâu dài - và cuối cùng là vĩnh cửu - nằm trong mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời. Khi bạn tìm cách đi theo ‘con đường của người công chính’, bạn chắc chắn rằng chính Chúa sẽ quan phòng bạn (c.6).
Cầu nguyện
Ma-thi-ơ 1:1-25
Gia Phổ Của Chúa Cứu Thế Giê-su
1 Gia phổ của Chúa Cứu Thế Giê-su, dòng dõi Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham.
2 Áp-ra-ham sinh Y-sác,
Y-sác sinh Gia-cốp,
Gia-cốp sinh Giu-đa và anh em người,
3 Giu-đa sinh Pha-rết và Xê-ra mẹ là Ta-ma,
Pha-rết sinh Ếch-rôm,
Ếch-rôm sinh A-ram,
4 A-ram sinh A-mi-na-đáp,
A-mi-na-đáp sinh Na-ách-son,
Na-ách-son sinh Sanh-môn,
5 Sanh-môn sinh Bô-ô mẹ là Ra-háp,
Bô-ô sinh Ô-bết mẹ là Ru-tơ,
Ô-bết sinh Gie-sê,
6 Gie-sê sinh vua Đa-vít,
Đa-vít sinh Sa-lô-môn, mẹ nguyên là vợ U-ri,
7 Sa-lô-môn sinh Rô-bô-am,
Rô-bô-am sinh A-bi-gia,
A-bi-gia sinh A-sa,
8 A-sa sinh Giô-sa-phát,
Giô-sa-phát sinh Giô-ram,
Giô-ram sinh Ô-xia,
9 Ô-xia sinh Giô-tham,
Giô-tham sinh A-cha,
A-cha sinh Ê-xê-chia,
10 Ê-xê-chia sinh Ma-na-se,
Ma-na-se sinh A-môn,
A-môn sinh Giô-si-a,
11 Giô-si-a sinh Giê-cô-nia và các em người lúc bị lưu đày tại Ba-by-lôn.
12 Sau khi bị lưu đày tại Ba-by-lôn,
Giê-cô-nia sinh Sa-la-thi-ên,
Sa-la-thi-ên sinh Xô-rô-ba-bên,
13 Xô-rô-ba-bên sinh A-bi-út,
A-bi-út sinh Ê-li-a-kim,
Ê-li-a-kim sinh A-xô,
14 A-xô sinh Sa-đốc,
Sa-đốc sinh A-chim,
A-chim sinh Ê-li-út,
15 Ê-li-út sinh Ê-li-a-xa,
Ê-li-a-xa sinh Ma-than,
Ma-than sinh Gia-cốp,
16 Gia-cốp sinh Giô-sép, chồng của Ma-ri. Ma-ri sinh Đức Giê-su, Chúa Cứu Thế.
17 Như thế từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít kể tất cả là mười bốn đời, từ Đa-vít cho đến khi bị lưu đày qua Ba-by-lôn là mười bốn đời, và từ lúc lưu đày tại Ba-by-lôn cho đến Chúa Cứu Thế cũng mười bốn đời.
Câu Chuyện Giáng Sinh Của Chúa Cứu Thế Giê-su
18 Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su đã xảy ra như sau: Ma-ri, mẹ Ngài, đã đính hôn cùng Giô-sép, nhưng trước khi hai người chung sống, Ma-ri đã thụ thai do quyền phép của Đức Thánh Linh. 19 Giô-sép, chồng hứa của nàng là người có tình nghĩa, không muốn nàng bị bêu xấu, nên định âm thầm từ hôn.
20 Đang khi ông suy tính như vậy, một thiên sứ của Chúa hiện đến trong giấc mộng và bảo: “Này Giô-sép, con cháu Đa-vít, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì thai nàng đang mang là bởi Đức Thánh Linh. 21 Nàng sẽ sinh một trai, hãy đặt tên là Giê-su, vì Ngài sẽ cứu dân tộc mình thoát khỏi tội lỗi.”
22 Mọi việc đã xảy đến như thế để lời Chúa phán qua nhà tiên tri được ứng nghiệm:
23 “Này, một trinh nữ sẽ mang thai và sinh một trai.
Người ta sẽ đặt tên Ngài là Em-ma-nu-ên,”
Nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
24 Giô-sép thức dậy, làm theo lời thiên sứ của Chúa đã dặn bảo, cưới Ma-ri về làm vợ, 25 nhưng hai người không ăn ở với nhau cho đến khi nàng sinh một con trai, và đặt tên là Giê-su.
Bình luận
Tập trung vào Chúa Giê-su
Quyết tâm tập trung cuộc sống của bạn vào Chúa Giê-su. Toàn bộ Kinh Thánh là về Chúa Giê-su. Tân Ước mở đầu bằng cây gia phả của Ngài.
Khi chúng ta đọc danh sách tổ phụ của Chúa Giê-su, thật đáng khích lệ khi thấy rằng họ bao gồm Ta-ma (người đàn bà ngoại tình), Ra-háp (gái điếm), Ru-tơ (người Mô-áp không có xuất thân là người Do Thái), Sa-lô-môn (người được thụ thai sau khi vua Đa-vít ngoại tình với Bát-sê-ba), cũng như nhiều người khác. Thật biết ơn khi Đức Chúa Trời sử dụng những con người tội lỗi và do đó, Ngài có thể sử dụng chúng ta. Dù quá khứ của bạn có ra sao, cuộc sống của bạn hiện tại có tan vỡ như thế nào, Chúa có thể sử dụng bạn để làm điều gì đó tuyệt vời cho cuộc sống của bạn.
Chính cái tên ‘Giê-su' có nghĩa là ‘Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ’ (c.21). Mỗi khi chúng ta sử dụng danh Chúa Giê-su, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng nhu cầu lớn nhất của chúng ta không phải là hạnh phúc hay thỏa lòng (mặc dù cả hai đều có thể là kết quả đi kèm). Nhu cầu lớn nhất của chúng ta, cũng như tổ phụ của Chúa Giê-su, là được tha tội. Do đó, chúng ta cần một Đấng Cứu Thế.
Phần mở đầu của Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su là sự ứng nghiệm của tất cả những gì được ghi lại trong Cựu Ước:
**Chúa Giê-su là đỉnh cao của lịch sử **
Ma-thi-ơ mở đầu sách Phúc Âm của mình bằng cách tóm tắt câu chuyện Cựu Ước về tổ tiên của Chúa Giê-su (câu 1–17). Cựu Ước kể câu chuyện mà Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm. Ma-thi-ơ trình bày lịch sử của dân Đức Chúa Trời theo ba thời kỳ ngang nhau: mười bốn thế hệ từ Áp-ra-ham đến Đa-vít, mười bốn thế hệ từ Đa-vít đến lưu đày và mười bốn thế hệ từ thời lưu đày đến Đấng Christ (c.17).
Trong phả hệ, các đời về mặt sinh học bị bỏ qua (như khá phổ biến trong các cây gia phả thời Cựu Ước). Ma-thi-ơ đã chỉ ra rằng lịch sử Cựu Ước rơi vào ba khoảng thời gian xấp xỉ bằng nhau giữa các sự kiện quan trọng. Chúa Giê-su là người kết thúc câu chuyện theo như câu chuyện Cựu Ước - đã đạt đến cao trào.
- Trong Chúa Giê-su, mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đều được thực hiện.
Chúa Giê-su không chỉ là người ứng nghiệm câu chuyện Cựu ước ở cấp độ lịch sử, mà Ngài còn là Người ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu ước và tất cả những lời hứa của Đức Chúa Trời.
Ma-thi-ơ kết thúc mỗi cảnh trong số năm cảnh trong quá trình thụ thai, sinh ra và thời thơ ấu của Chúa Giê-su bằng cách trích dẫn Lời Chúa. Kinh thánh Hê-bơ-rơ đã được 'ứng nghiệm' bởi các sự kiện được mô tả (Ma-thi-ơ 1: 22–23; 2: 5–6,17,23; 4 : 14–16).
Câu Kinh Thánh được trích đầu tiên là sự ứng nghiệm về việc Chúa Giê-su được thụ thai : 'Tất cả điều này đã diễn ra để ứng nghiệm những gì Chúa đã phán qua nhà tiên tri: "Một trinh nữ sẽ có con và sẽ sinh một con trai và họ sẽ gọi người ấy là Em-ma-nu-ên" (có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”) '(1: 22–23).
Tất cả lịch sử, lời tiên tri và lời hứa, được ứng nghiệm trong Chúa Giê-su. Toàn bộ cuộc sống của bạn được thành trong Chúa Giê-su. Mọi phần trong cuộc sống của bạn: công việc, gia đình, các mối quan hệ, bạn bè, ký ức và ước mơ ủa bạn đều được hoàn thành trong Chúa Giê-su.
Cầu nguyện
Sáng thế 1:1-2:17
Sáng Tạo Trời Đất
1 Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất. 2 Lúc ấy, đất không có hình thể và còn trống không. Bóng tối, bao trùm vực thẳm và Thần Linh của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. 3 Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán: “Phải có ánh sáng!” Ánh sáng liền xuất hiện. 4 Đức Chúa Trời thấy ánh sáng là tốt. Đức Chúa Trời phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. 5 Đức Chúa Trời gọi sáng là Ngày và tối là Đêm. Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ nhất. 6 Đức Chúa Trời phán: “Phải có khoảng không phân cách nước với nước”.
7 Vậy, Đức Chúa Trời tạo khoảng không phân cách nước dưới khoảng không với nước trên khoảng không, thì có như vậy. 8 Đức Chúa Trời gọi khoảng không là bầu trời. Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ nhì.
9 Đức Chúa Trời phán: “Nước dưới bầu trời hãy tụ lại một chỗ và đất khô phải xuất hiện”, thì liền có như thế. 10 Đức Chúa Trời gọi đất khô là Đất, và vùng nước tụ lại là Biển. Đức Chúa Trời thấy điều ấy là tốt. 11 Đức Chúa Trời phán: “Đất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hạt và cây kết quả có hạt tùy theo loại” thì có như vậy. 12 Đất sinh sản cây cỏ, cỏ kết hạt tùy theo loại, cây kết quả có hạt tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều ấy là tốt. 13 Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ ba.
14 Đức Chúa Trời phán: “Phải có các vì sáng trên bầu trời để phân biệt ngày và đêm, làm dấu cho thì tiết, ngày và năm, 15 và hãy có những vì sáng trên bầu trời để soi sáng trái đất,” thì có như vậy. 16 Đức Chúa Trời tạo hai vì sáng lớn, vì sáng lớn hơn cai quản ban ngày; vì sáng nhỏ hơn cai quản ban đêm, và các tinh tú. 17 Đức Chúa Trời đặt các vì sáng trên bầu trời để soi sáng trái đất, 18 cai quản ngày và đêm và phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt. 19 Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ tư.
20 Đức Chúa Trời phán: “Nước phải đầy dẫy sinh vật và phải có chim bay trên trời!” 21 Đức Chúa Trời tạo các loài thủy quái, mọi loài sinh vật đầy dẫy dưới nước tùy theo loại, và các loài chim có cánh tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt. 22 Đức Chúa Trời ban phước cho chúng và bảo: “Hãy sinh sản, nhân lên; làm đầy dẫy biển. Các loài chim hãy gia tăng trên đất.” 23 Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ năm. 24 Đức Chúa Trời phán: “Đất phải sinh các sinh vật tùy theo loại, các súc vật, các loài bò sát và thú rừng tùy theo loại!” thì có như vậy. 25 Đức Chúa Trời tạo nên các thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại và mọi loài bò sát trên đất tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp.
Sáng Tạo Loài Người
26 Đức Chúa Trời phán: “Chúng ta hãy tạo nên loài người như hình Ta và giống như Ta, để quản trị các loài cá biển, chim trời, súc vật trên cả trái đất và các loài vật bò trên đất.” 27 Đức Chúa Trời tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người như hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài tạo nên người nam và người nữ. 28 Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản, nhân lên nhiều, làm gia tăng đầy dẫy đất và thống trị đất. Hãy quản trị loài cá biển, chim trời và tất cả các loài vật chuyển động trên đất.” 29 Đức Chúa Trời phán: “Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau cỏ kết hạt mọc trên đất và mọi thứ cây cối ra quả kết hạt, để dùng làm thức ăn cho các ngươi. 30 Ta cũng ban tất cả cây cỏ xanh cho các thú vật, chim trời và mọi loài vật bò trên đất, mọi loài có sinh khí làm thức ăn thì có như vậy.” 31 Đức Chúa Trời nhìn mọi vật Ngài dựng nên và thấy là rất tốt. Đó là buổi chiều và buổi sáng ngày thứ sáu.
Thánh Hóa Ngày Thứ Bảy
1 Thế là hoàn thành trời, đất và tất cả vạn vật. 2 Đức Chúa Trời hoàn tất công việc Ngài đã làm vào ngày thứ bảy, Ngài nghỉ mọi công việc Ngài đã làm. 3 Đức Chúa Trời chúc phước cho ngày thứ bảy và thánh hóa nó vì vào ngày ấy Đức Chúa Trời nghỉ ngơi mọi công việc sáng tạo.
4 Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo, trong ngày CHÚA, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.
5 Bấy giờ chưa có cây cối và rau cỏ mọc lên ngoài đồng trên mặt đất, vì CHÚA, Đức Chúa Trời chưa cho mưa xuống đất, và cũng chưa có người cầy bừa đất đai. 6 Một nguồn nước từ mặt đất dâng lên và tưới toàn thể mặt đất. 7 CHÚA, Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống.
Vườn Ê-đen
8 CHÚA, Đức Chúa Trời trồng một khu vườn tại Ê-đen ở phía đông và đặt người Ngài đã dựng nên tại đó. 9 CHÚA, Đức Chúa Trời khiến từ đất mọc lên mọi cây cối đẹp mắt và ăn ngon. Giữa vườn có Cây Sự Sống và Cây Biết Thiện Ác.
10 Một dòng sông chảy ra từ Ê-đen để tưới vườn và từ đó chia làm bốn nhánh. 11 Nhánh thứ nhất tên Phi-song, chảy quanh đất Ha-vi-la là nơi có vàng, 12 vàng xứ này rất tốt, cũng có nhũ hương và bích ngọc. 13 Nhánh sông thứ hai tên Ghi-hôn chảy quanh xứ Cút. 14 Nhánh sông thứ ba tên Ti-gơ chảy về phía đông A-si-ri. Nhánh sông thứ tư tên Ơ-phơ-rát.
15 CHÚA, Đức Chúa Trời đem người đặt vào vườn Ê-đen để canh tác và chăm sóc vườn. 16 CHÚA, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho người rằng: “Con có thể ăn bất cứ trái cây nào trong vườn, 17 nhưng về ‘Cây Biết Thiện Ác’ thì không được ăn, vì ngày nào con ăn trái đó chắc chắn con sẽ chết.”
Bình luận
Tận hưởng tạo hóa của Đức Chúa Trời
Bạn không có mặt trên đất này một cách tình cờ. Vũ trụ này là sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Bạn được tạo ra trong hình ảnh của Ngài.
Sáng Thế ký đưa ra một sự tường thuật về khởi đầu của vũ trụ. Nó vượt xa các lý thuyết khoa học về ‘làm thế nào?’ và ‘khi nào?’ Nó trả lời các câu hỏi ‘ai’ và ‘tại sao?’ Các lý thuyết khoa học không chứng minh hoặc bác bỏ lời giải thích này. Đúng hơn, chúng bổ sung cho nhau.
Đọc phân đoạn này qua lăng kính của Tân Ước, chúng ta thấy cả Ba Ngôi cùng tham gia vào quá trình sáng tạo. Danh từ trong tiếng Hê-bơ-rơ chỉ Chúa (Elohim) là một danh từ số nhiều. Đức Thánh Linh đã tham gia vào việc sáng tạo (1: 2). Chính nhờ Chúa Giê-su mà tạo vật đã ra đời: ‘Và Đức Chúa Trời phán…’ (c.3a). Chúa Giê-su là Lời của Đức Chúa Trời và nhờ ngài mà vũ trụ được tạo ra (xem Giăng 1: 1–3).
Giữa lời tường thuật về sự sáng tạo này, có một điều đáng kinh ngạc cho thấy quyền năng bao la của Đức Chúa Trời: ‘Ngài cũng tạo nên các vì sao’ (Sáng thế ký 1:16). Bây giờ chúng ta biết rằng có thể có từ 100 đến 400 tỷ ngôi sao chỉ trong thiên hà của chúng ta, và thiên hà của chúng ta chỉ là một trong khoảng 100 tỷ thiên hà. Ngài đã tạo ra tất cả, chỉ như vậy!
Đỉnh cao của sự sáng tạo của Ngài là con người. Bạn được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (c. 27). Nếu chúng ta muốn biết Đức Chúa Trời là Đấng thế nào, thì chính những người nam và người nữ cùng phản ánh hình ảnh của Ngài.
Mỗi con người được tạo ra theo hình ảnh của Ngài và cần được đối xử với phẩm giá, sự tôn trọng và tình yêu thương. Khả năng giao tiếp của bạn với Đức Chúa Trời phản ánh sự thật rằng bạn được tạo ra theo hình ảnh của Ngài.
Đức Chúa Trời chấp thuận tất cả những gì Ngài đã tạo ra. Ngài nói, "Điều đó là tốt lành". Nhiều người cảm thấy vô giá trị, không an toàn và không có giá trị. Nhưng Chúa không tạo ra rác rưởi. Chúa đã tạo ra bạn. Ngài yêu bạn và chấp nhận bạn. Ngài có thể không tán thành mọi việc bạn làm, nhưng Ngài yêu bạn vô điều kiện, hết lòng và không ngừng.
Chúng ta thấy trong phân đoạn Kinh Thánh này, công việc là một phước lành: ‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem con người vào trong vườn Ê-đen để canh tác và gìn giữ vườn’ (2:15). Công việc là một phần của sự sáng tạo tốt đẹp của Đức Chúa Trời - không phải là kết quả của sự sa ngã. Phân đoạn này cũng nhắc nhở chúng ta rằng chăm sóc môi trường là trọng tâm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho con người.
Nghỉ ngơi không phải là một bổ sung tùy chọn. Đó là những gì Đức Chúa Trời đã làm (‘Ngài đã nghỉ ngơi’, câu 2). Những ngày nghỉ ngơi này (ngày nghỉ, ngày lễ) là những ngày được ban phước đặc biệt: ‘Ngài ban phước cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó’ (c.3). Ngày nghỉ là ngày thánh. Người ta chỉ ra thực tế rằng cuộc sống cơ bản là về cách sống chứ không đơn giản chỉ là sống. Đừng cảm thấy tội lỗi khi dành thời gian nghỉ ngơi. Bản thân những kỳ nghỉ là tốt lành. Chúng cũng là thời gian để nạp năng lượngcho tâm linh.
Đừng làm việc quá sức. Chúa đã dành thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng những gì mình đã làm ra. Bạn không nên làm việc liên tục. Bạn được tạo ra với nhu cầu thư giãn và nghỉ ngơi - dành thời gian để tận hưởng công việc và thành quả công việc của bạn.
Trong Sáng thế ký 2:16–17, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã ban cho A-đam và Ê-va sự tự do ('họ được tự do ăn bất cứ cây nào trong vườn', câu 16), và một điều cấm - 'nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn '(c. 17a). Ngài cảnh báo họ về hình phạt nếu họ không tuân theo (‘khi con ăn nó, con chắc chắn sẽ chết’, c. 17b). Bạn không cần phải biết và trải nghiệm điều ác. Chúa muốn bạn chỉ biết điều tốt.
Cầu nguyện
Pippa chia sẻ
Ma-thi-ơ 1: 18–19
Điều này hẳn là khó khăn biết bao đối với Ma-ri, cha mẹ cô và Giô-sép. Chắc hẳn họ đã cảm thấy bối rối và xấu hổ. Chúng ta thấy lý do tại sao Giô-sép được chọn làm chồng của Ma-ri - ông ấy rất ấn tượng. Cô gái mà ông sắp cưới có thai; ông ta có mọi lý do để tức giận. Tuy nhiên, ông không muốn làm cô bẽ mặt - ông đã lên kế hoạch 'ly hôn với cô trong lặng lẽ'. Chúng ta thấy cách ông ấy hành động sau khi một thiên sứ xuất hiện trong giấc mơ và bảo ông kết hôn với Ma-ri (c.24). Phải có một đức tin lớn thế nào để gạt những gì người khác nghĩ sang một bên và nuôi một đứa bé không phải con của mình.
Câu kinh thánh trong ngày
Thi thiên 1:6
'Vì Đức Giê-hô-va biết đường lối người công chính.'
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Sign up nowBook
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
The One Year là thương hiệu của Nhà Xuất Bản Tyndale. Được sử dụng dưới sự cho phép.
Lời Chúa được đánh dấu (MSG) được lấy từ bản dịch The Message.
Bản quyền 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002.
Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.
Trừ khi được nêu rõ, các trích dẫn Kinh Thánh được lấy từ Bản New International Version được Anh hóa
Bản quyền 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là tổ chức Kinh Thánh Hội Quốc tế.
Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty Hachette UK
Đã đăng ký bản quyền
'NIV' là một thương hiệu được đăng ký của Biblica
Số đăng ký thương hiệu tại UK 1448790.